Đường dẫn truy cập

CSIS: Việt Nam ‘giám sát’ mạnh mẽ công dân trong ứng phó với COVID-19


Một người lái xe máy qua một poster kêu gọi người dân bảo vệ sức khoẻ trước virus corona trên một đường phố ở Hà Nội hôm 14/4. CSIS nói người dân Việt Nam đồng thuận với sự giám sát của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Một người lái xe máy qua một poster kêu gọi người dân bảo vệ sức khoẻ trước virus corona trên một đường phố ở Hà Nội hôm 14/4. CSIS nói người dân Việt Nam đồng thuận với sự giám sát của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Việt Nam được một viện nghiên cứu hàng đầu của Mỹ đánh giá là đã làm tốt trong việc khống chế sự lây lan của đại dịch virus corona nhờ vào “văn hoá giám sát” được thực hiện một cách mạnh mẽ và có sự đồng thuận của phần lớn người dân.

Quốc gia Đông Nam Á này nằm trong số những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất thế giới và, theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới, là một trong những quốc gia đứng đầu trong nỗ lực kiểm soát lây nhiễm nCoV.

Theo đánh giá của giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Amy Searight, Việt Nam – cùng với Singapore – đã sớm hành động để ứng phó với sự bùng phát dịch ngay từ đầu. Mặc dù Singapore đang phải chống đỡ với một làn sóng mới các ca lây nhiễm thì Việt Nam, với dân số hơn 96 triệu, đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong gần 1 tuần qua, với 268 trường hợp dương tính mà không có ca tử vong nào tính đến ngày 21/4.

Thành viên tư vấn cao cấp của viện nghiên cứu có trụ sở ở Washington DC cho rằng, trong khi Singapore sử dụng các công cụ công nghệ cao để truy tìm virus thì Việt Nam dựa vào việc huy động nguồn lực nhân dân và đóng cửa xã hội cũng như giám sát trên diện rộng công dân của mình.

Ngay từ những ngày đầu khi dịch mới bùng phát, Việt Nam đã đóng tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu, trường học và thực hiện cách ly trên diện rộng. Một làng ở tỉnh Vĩnh Phúc là khu vực đầu tiên bị cách ly toàn bộ trong 21 ngày và hàng chục nghìn người đã được đưa đi cách ly tập trung, phần lớn tại các doanh trại quân đội.

Một yếu tố quan trọng trong việc giúp Việt Nam khống chế dịch tốt, được bà Searight nhắc tới trong bài bình luận của mình đăng tải trên trang web của CSIS hôm 20/4, là sự “theo dõi và giám sát chặt chẽ công dân” của mình. Theo nhà nghiên cứu của CSIS, hoạt động này được hỗ trợ bởi một mạng lưới rộng lớn những người cung cấp tin tức và việc này giúp xác định danh tính cũng như cách ly những người bị nghi nhiễm virus và những người đã tiếp xúc với họ. Bà Searight cho rằng “văn hoá giám sát” của Việt Nam mang tính hiệu quả cao trong việc giúp cơ quan chức năng theo dõi và giao tiếp với người dân. Đồng thời, theo bà, hệ thống này được phần lớn công chúng ở Việt Nam chấp nhận hoặc ít nhất là thích ứng với “mức độ xâm nhập” này của chính phủ, mà ở các nước phương Tây có thể vấp phải sự kháng cự của người dân.

Việt Nam bắt buộc khai báo y tế đối với tất cả người dân cũng như người nước ngoài ở Việt Nam, khi nhập cảnh cũng như khi đi đến bệnh viện hoặc tới nhà hàng hay thậm chí đến các cơ sở làm đẹp hoặc massage. Người dân Việt Nam đang thực hiện cách ly xã hội toàn quốc trong 3 tuần liên tiếp theo chỉ thị của thủ tướng chính phủ.

Để việc giám sát đạt hiệu quả hơn, một ứng dụng di động nhằm truy dấu các trường hợp F1, F2 khi xuất hiện các ca dương tính với COVID-19 bằng định vị Bluetooth đã được Bộ Thông tin – Truyền thông công bố hôm 18/4. Thông qua ứng dụng, được cho là “bảo mật, ẩn danh và minh bạch”, cơ quan y tế có thẩm quyền sẽ biết được những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19.

Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Takeshi Kasai nói với truyền thông trong nước hôm 21/4 rằng người dân Việt Nam sự hợp tác cao với chính phủ và có ý thức kỷ luật trong việc “tuân thủ các quy tắc xã hội để giảm lây nhiễm.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG