Đường dẫn truy cập

Cư dân Nam Texas lên tiếng bảo vệ trẻ bị cách ly


Những người biểu tình trong cuộc "Tập họp vì Con em Chúng ta" để phản đối chính sách di dân "Không Khoan nhượng" đã làm nhiều gia đình ly tán. (ảnh chụp ngày 31/5/2018 tại San Antonio)
Những người biểu tình trong cuộc "Tập họp vì Con em Chúng ta" để phản đối chính sách di dân "Không Khoan nhượng" đã làm nhiều gia đình ly tán. (ảnh chụp ngày 31/5/2018 tại San Antonio)

Trong suốt sáu tuần lễ, cư dân miền Nam bang Texas kinh ngạc theo dõi việc thực thi chính sách nhập cư "không khoan nhượng" đã tách ly thành viên của các gia đình người di dân tại địa phương nơi họ cư ngụ.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đảo ngược chính sách này và thay thế việc tách ly các gia đình này với chính sách giam giữ cả gia đình, một số cư dân thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên nhiều người khác vẫn chưa được thuyết phục rằng giai đoạn tồi tệ nhất trong việc thực thi chính sách không khoan nhượng nay đã qua.

Mệt mỏi vì đã xem quá nhiều hình ảnh các trẻ em bị tách ra khỏi vòng tay của cha mẹ ở gần nơi họ cư ngụ, dân miền Nam bang Texas tự an ủi rằng một chương đen tối về chính sách di trú Mỹ đang đến hồi kết thúc.

Bà Patricia Baez, một cư dân của Thung lũng Rio Grande nói:

"Mọi người đến đây đều mang theo giấc mơ Mỹ, miễn là họ không bị cách ly thì theo tôi nghĩ, vẫn tốt hơn là nếu họ bị tách ra."

Mặc dù sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump chấm dứt chính sách cách ly các gia đình di cư được hoan nghênh như một thắng lợi về mặt nhân đạo trong thành phần cư dân đã sống ở đây lâu năm, các mối quan tâm về đạo đức và pháp lý liên quan tới kế hoạch của chính quyền Trump để thay thế chính sách này vẫn tồn tại.

Các tổ chức vận động như Dự án Dân quyền Texas, nói họ sẽ vẫn tiếp tục vận động. Các tổ chức này đã phỏng vấn nhiều người di cư và các vợ chồng đã bị cách ly với con cái tại tòa án hình sự.

Efren Olivares, Giám Đốc Dự án Dân Quyền và Công lý Kinh tế Texas nói.

"Tôi tưởng tượng ra một ngày chúng tôi tới tòa, hỏi có bao nhiêu người ở đây bị cách ly với con cái?", và không một ai đứng lên, thì tới lúc đó, chúng ta mới biết là không còn gia đình nào bị chia cắt. Nếu chúng ta không ghi chép lại thì không có chứng cớ nào chứng minh những gia đình này đã từng bị cách ly. Họ bị nhận chìm vào cái hố đen của bộ máy quan liêu của Văn phòng Tái định cư Người Tị nạn, và không biết tới bao giờ mới được đoàn tụ, hoặc thậm chí, liệu họ có được đoàn tụ hay không.

Vào một đêm mưa ở McAllen, bang Texas, hàng trăm người dân thuộc đủ mọi tôn giáo đã tụ tập để cầu nguyện cho hơn 2.000 trẻ em bị tách rời khỏi cha mẹ từ tháng Năm, mà cho tới nay vẫn chưa được đoàn tụ với cha mẹ.

Soeur Norma Pimentel, Giám Đốc điều hành Tổ chức từ thiện Công giáo -Thung lũng Rio Grande, nói:

"Chúng tôi sẽ không im lặng nữa. Chúng tôi sẽ là tiếng nói của những người đang cần được lắng nghe ..."

Bà Carmen Silva, cư dân McAllen bang Texas, nói:

"Thay đổi này tích cực, nhưng hơi muộn. Nhiều gia đình đã bị trả về El Salvador và những nơi khác, trong khi những đứa trẻ, con cái họ, vẫn ở đây, chúng không biết mình đã bị đưa đến đâu."

Những người khác thề sẽ buộc Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về chính sách di trú đó, và đánh đi một thông điệp đoàn kết của cộng đồng đa dạng cư ngụ ở miền Nam bang Texas.

Một cư dân khác, Maraj Kidwai, nói:

"Đôi khi chính quyền của Tổng thống Trump nói như thế này nhưng làm như thế nọ. Cho nên cho tới khi nào những gì ông (Trump) nói trở thành hiện thực, thì cho tới lúc đó chúng ta còn phải tới đây, bảo đảm là chúng ta có mặt ở đây, để nói lên tiếng nói của chúng ta."

VOA Express

XS
SM
MD
LG