Đường dẫn truy cập

Cử tri thắc mắc vụ ông Trịnh Xuân Thanh trước kỳ họp Quốc Hội


Rộ nghi vấn ông Trịnh Xuân Thanh đang ở nước ngoài sau khi ‘xin ra Đảng’
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:02 0:00

Ông Trịnh Xuân Thanh đang bị Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế về tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam vừa khẳng định quyết tâm diệt tham nhũng và kiên quyết truy nã ông Trịnh Xuân Thanh, người được cho là đã bỏ trốn sang châu Âu.

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang hôm 5/10 khẳng định “dù có lẩn trốn đi đâu nữa, những đối tượng tham nhũng (như ông Thanh) sớm muộn cũng bị truy tố pháp luật”.

Theo VietNamNet, ông Quang nói như vậy trong lần tiếp xúc cử tri ở TP.HCM trong khi trả lời chất vấn và thắc mắc của cử tri xung quanh việc phòng chống tham nhũng.

Cùng ngày, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng tuyên bố rằng “lãnh đạo Đảng và Nhà nước kiên quyết xử lý đúng người đúng tội, nghiêm minh, đúng pháp luật” khi tiếp xúc cử tri của thành phố trước kỳ họp quốc hội sẽ được tổ chức ở Hà Nội trong tháng này.

Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam đang bị truy nã quốc tế do vi phạm điều 165 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam với tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Nhưng theo nhận xét của cụ bà chống tham nhũng nổi tiếng Lê Hiền Đức, việc tìm kiếm ông Thanh trên quy mô quốc tế có thể không có tác dụng và đang hướng dư luận đến việc khác.

"Tôi lại nghĩ rằng anh (Thanh) này chưa đi, vẫn ở trong nước, cá nhân tôi vẫn nghĩ như thế nhưng tôi không có nhiệm vụ phải điều tra nên tôi không phát biểu. Nhưng tất cả những chuyện này đưa ra, tôi nghĩ rằng, làm cho nó ồn ào và làm cho nhân dân quên đi cái quan trọng bây giờ nhân dân thắc mắc nhất là vấn đề Formosa".

Một cử tri của TP.HCM được VietNamNet trích lời thắc mắc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang rằng tại sao ông Thanh có thể bỏ trốn trong khi nhiều cơ quan cùng giám sát điều tra vụ việc. Theo cử tri có tên Trần Đăng Thanh của quận 1, ông Thanh đã làm thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, có thông tin con số thực tế là hơn 5.700 tỷ đồng.

Trước những thắc mắc của một số cử tri khác xoay quanh cách xử lý của chính phủ nếu không truy tìm được ông Thanh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết “Trung ương đang công khai tuyên bố kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng”.

Nhưng theo bà Đức, tham nhũng có từ chính những người lãnh đạo cao cấp.

“Tham nhũng ngày càng tràn lan. Ngay trong thanh tra chính phủ - là cơ quan có nhiệm vụ điều tra xác minh và kết luận – cần chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng”.

Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng vấp phải nhiều thắc mắc của cử tri về vấn đề chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Thăng được VietNamNet trích lời nói: “Riêng trường hợp Trịnh Xuân Thanh, đây là vụ án được Tổng bí thư trực tiếp chỉ đạo, làm hết sức quyết liệt”. Ông Thăng thông báo với các cử tri rằng trong kỳ họp tới ông sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng để luật thực sự đi vào cuộc sống.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với ông Thăng để hỏi ông về tuyên bố này.

Kỳ họp thứ 2 của Quốc Hội khóa 14 sẽ diễn ra vào cuối tháng này với các hoạt động chất vấn và giám sát nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội.

VOA Express

XS
SM
MD
LG