Đường dẫn truy cập

Cựu tù nhân lương tâm Lê Thu Hà bị cấm nhập cảnh khi trở về VN từ Đức


Cô Lê Thu Hà (phải) cùng với vợ chồng luật sư Nguyễn Văn Đài, tháng 6/2018 tại Đức
Cô Lê Thu Hà (phải) cùng với vợ chồng luật sư Nguyễn Văn Đài, tháng 6/2018 tại Đức

Cô Lê Thu Hà, một cựu tù nhân lương tâm bị buộc phải đi tị nạn ở nước ngoài, cố gắng trở về Việt Nam, nhưng không được nhà chức trách cho nhập cảnh khi về đến Hà Nội đêm 20/11.

Cô Hà, 37 tuổi, là cộng sự của luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng.

Hai nhà hoạt động này bị bắt vào cuối năm 2015 và phải nhận án tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Đến tháng 6/2018, ông Đài và vợ ông, cùng với cô Hà đã bị nhà chức trách Việt Nam đưa đi tị nạn ở Đức.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Đài, chủ tịch Hội Anh em Dân chủ, thông báo vào lúc gần 4h chiều ngày 21/11, giờ Việt Nam, rằng “Khi về tới sân bay Nội Bài, chị Hà đã bị an ninh giữ lại và chờ chuyến bay tiếp theo đưa chị trở lại Đức. Tôi đã nhận được tin chị Hà đã tới Bangkok, Thái Lan”.

Luật sư Đài cho hay là từ khi sang Đức cô Hà “đã có nguyện vọng trở lại Việt Nam”. Ban đầu, mọi người và gia đình cô ở Quảng Trị đã có những lời khuyên nhủ nên cô đã ở lại, và sau 5 tháng, cô Hà tự đưa ra quyết định “thực hiện nguyện vọng của mình”, theo thông tin của ông Đài.

Luật sư Đài cho biết thêm là cô Hà đã không nhận giấy thông hành, giấy phép cư trú và giấy phép lao động do chính phủ Đức cấp. Ông nói vì thế khi quay lại sân bay của Đức, cô Hà sẽ phải đối mặt với những vấn đề “rất phức tạp”, vì giấy tờ của cô “đã gần hết hạn”.

Dù vậy, vị chủ tịch Hội Anh em Dân chủ đưa ra lời trấn an rằng “Anh em bên Đức đang cố gắng can thiệp với các cơ quan hữu quan của Đức về việc của chị Hà”.

Từ Berlin, nhà báo độc lập Lê Trung Khoa cũng xác nhận với VOA về thông tin kể trên. VOA cố gắng liên lạc với cô Hà để hỏi thêm về tình hình của cô, nhưng có thể do điều kiện di chuyển nên cô không hồi đáp.

Một số nhà hoạt động nữ quen biết với cô Hà và hiện vẫn đang ở Việt Nam cho VOA biết rằng qua các tin nhắn, họ cảm nhận rằng cô Hà “có tâm lý không được tốt” từ lúc sang Đức và ngày nào cô cũng nói “nhớ mẹ và em gái không chịu nổi”.

Họ cũng cho biết em gái và gia đình cô Hà “sẽ cố tìm cách qua Đức” để thăm hỏi, khích lệ tinh thần cho cô.

Một số người khác bình luận trên trang Facebook của ông Nguyễn Văn Đài dưới phần thông tin ông cập nhật về cô Hà rằng trạng thái tâm lý của cô hiện nay có thể là “hậu quả của hơn 2 năm rưỡi bị hành hạ, tra tấn tinh thần trong tù”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG