Đường dẫn truy cập

Đà Lạt năm tôi 18 tuổi...


Chợ Đà Lạt về đêm
Chợ Đà Lạt về đêm

Tôi đến Đà Lạt lần đầu năm 1958, khi vừa mười tám tuổi. Hành lý của tôi chỉ là một chiếc áo len và một bàn chải đánh răng. Đêm Đà Lạt lạnh buốt. Tôi bước vào một quán cà phê có tên là Tùng. Ánh đèn mờ không soi rõ mặt khách, và khói thuốc mù làm đục cả cái không khí chật chội. Tiếng nhạc mở lớn làm căn phòng như vỡ tung ra. Tôi gọi một ly cà phê đen nóng và đốt một điếu thuốc trong khi chờ đợi. Một người từ bàn bên cạnh bước sang, hỏi tôi từ đâu đến và muốn tôi ra ngoài nói chuyện.

Tôi biết “nói chuyện” là gì. Và tôi theo anh ta ra sân.

Choàng chiếc áo len sau lưng, buộc hai tay áo trước ngực, tôi đứng chờ. Cũng dễ thôi. Thói quen “một đụng một” của thời học trò vẫn thường xảy ra giữa đám trẻ chúng tôi. Và tôi hiểu tôi phải làm gì để thắng trong trường hợp đó.

Nhưng tôi đã tính sai. Bởi vì tôi phản ứng qúa chậm, vây quanh tôi là ba tên vừa tầm, nhanh như chớp đã giáng xuống đầu tôi, ngực tôi, thân thể tôi một trận đòn tàn bạo, dữ dội và bất ngờ nhất. Đêm đầu tiên ở Đà Lạt tôi đã được chào đón như thế đấy!... Hình như Đà Lạt thời đó có cách tiếp khách riêng của nó.

Kỷ niệm ấy của thị trấn “hàn đới” để lại trong tôi một vết đau nhức nhối, mặc dù máu ở cơ thể tôi chảy ra có làm tăng nhiệt độ đôi chút để chống lại hơi lạnh của một vùng khí hậu cao nguyên. Vết đau đó phải đợi đến một tháng sau tôi mới rửa được trên sân Cù.

Dãy nhà thuộc khu 28B của Viện Đại Học Đà Lạt là nơi trọ của đám sinh viên từ các nơi xa mới đến. Tôi đã nằm đó. Chỉ đến lớp đúng vào thời khóa biểu nhà trường, rồi quay về phòng ngay, không bước chân ra phố. Tôi ôn lại trận đòn, tôi nhớ lại cái mùi máu tươi ở khóe môi, những sợi tóc bết ướt máu chảy xuống trán, những cú đấm tá hỏa tam tinh đập vào mắt tôi, những cú đạp vào bụng làm thót người. Trận đòn không thù oán gây cho tôi nhiều ngạc nhiên hơn là căm phẫn. Dù sao tôi không thể không đáp lại sự tiếp đón có phần hơi “cuồng nhiệt” của chủ nhà. Tôi ưa thích sự công bằng. Và Đà Lạt rất sòng phẳng với tôi. Chính ở sân Cù một buổi tối là nơi tôi đã tẩy được vết chàm kia bằng cách trả lại cho người khách ở quán cà phê Tùng những gì y đã ép tôi phải nhận.

Bỏ hai tuần chờ cho vết thương trên đầu, trên ngực và trên mặt lành lặn, và thêm hai tuần mài lại con dao mà anh tôi đã tặng sau chuyến hành quân trở về. Tôi ra quán cà phê Tùng hẹn X., là tôi chờ hắn ở sân Cù. X. nói nếu lần này mày không muốn sống, tao cho mày đi luôn. Tôi không trả lời. Tôi biết tôi muốn gì.

Buổi tối Đà Lạt lạnh. Tôi mặc quần áo mua ở chợ trời, dày và ấm, đứng nép vào một gốc cây trên sân Cù. X. không đến một mình. Cùng đi với X. tôi thấy thấp thoáng bóng 3 tên cùng bọn. Trong bóng tối, tôi thấy loé lên một ánh thép. Bước ra khỏi gốc cây, tôi nói to: “Tao muốn nói chuyện một mình thằng X. thôi.” X không trả lời. Y lừng lững một mình đi lên. Tôi đi xuống, đến trước mặt X. Vừa giáp mặt, không chờ X. kịp nói năng, tôi choàng tay kẹp cổ X. dí dao ấn vào yết hầu y. Tôi đã thuộc bài học X. đã dạy tôi lần đầu.

Sau trận đáp lễ đó, tôi và X. trở thành bạn. Tình bạn chỉ nhìn từ xa. Nhưng phải nói là nhờ X. nhiều lần tôi thoát được những va chạm chết người trong suốt 3 năm ở Dalat.

Chính là sau đêm ở Sân Cù trở về cư xá sinh viên trong Viện Đại Học tôi đã làm những câu lục bát đầu tiên của mình.

Ba năm trời, tôi buộc đời tôi vào với những người bạn học mới, cả những X. và Y., với Viện Đại Học trẻ trung vừa được thành lập, với cái lạnh lẽo của rừng núi, với tiếng gió hú trên đồi thông, với những giờ triết học buồn nản…

Tôi nhớ cha Gauthier, người gầy và thấp, da mặt nhăn nheo, đôi kính cận dầy cộm làm mặt cha nặng hơn. Tôi không quên LM Bửu Dưỡng, người rất quyết liệt và cực kỳ hữu khuynh trong mọi nhận định của mình. Tôi yêu mến LM Alexis Gras, một trong những khuôn mặt trí thức hiếm hoi mà tôi đã gặp trên đường đời. Chính cha Gras đã khắc trong trí nhớ tôi hồi đó những dấu ấn tươi mát về tri thức không khác nào các cô giáo thầy giáo tiểu học đã khắc lên trái tim thời thơ ấu tôi những hiểu biết đầu đời.

Ba năm trời ở Đà Lạt, mỗi năm thay đổi chỗ ở một lần, nhưng bầu trời mù ám của nó, những trận mưa lạnh của nó,… đã cột chặt đời tôi như một lần mãi mãi.

Một năm sau tôi dọn chỗ ở mới. Phòng trọ nằm trên đường Võ Tánh, con đường dốc đất đỏ mà sau mỗi trận mưa luôn luôn gây cho người ta cái cảm tưởng đang nhìn thấy máu ở một vết thương vô hình nào đó chẩy ra.

Từ nơi trọ đến Viện Đại học tôi phải đi ngang qua trường nữ trung học Bùi Thị Xuân. Những buổi có giờ học trễ, ngủ nướng trong giường, tôi có thể nghe thấy tiếng trống vào lớp. Đó là thời gian tôi tập hút thuốc và uống rượu. Những ly rượu đắng cay đốt cháy mối tình đầu tiên của tôi. Đó là thời gian khi tôi làm bài luận văn về Descartes, cha Gauthier đã kêu lên rằng tôi đã “để vào miệng nhà triết học trong sáng của nước Pháp này những điều ông ta chưa bao giờ viết xuống”.

Đà Lạt, đó là một thành phố rất Tây trên quê hương Việt Nam. Nhà hàng Mekong, Chic Shanghai, L’eau Vive, Hôtel Sans – Souci, Palace, Thủy Tiên, Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux, … làm chứng cho những suy nghĩ của tôi. Đà Lạt là một thành phố hòa bình trên một đất nước ngập tràn máu lửa. Đà Lạt là một giấc mơ thần tiên trong một hiện thực sắt thép địa ngục. Đà Lạt, căn hầm trú ẩn bằng bê tông cốt sắt giữa một trận địa đầy bom mìn và xác chết. Đà Lạt là một hòa bình riêng rẽ trong một Việt Nam vang rền tiếng súng. Thứ triết học kinh điển mà Đà Lạt nhét vào đầu tôi thời gian đó bị chìm trong ca khúc Vũng lầy Của Chúng Ta vào một buổi tối khi Lộc và cô bạn của anh hát cho tôi nghe những ca khúc đầu tiên của anh. …Đây là thời gian tôi đọc André Gide nhiều hơn Martin Heidegger, Albert Camus nhiều hơn Jean-Paul Sartre, và…

Tôi đã nhìn Đà Lạt như một bức tranh. Và tôi chỉ là một vệt màu đỏ do người hoạ sĩ lỡ tay để rơi lại trên khung vải. Tôi khám phá ra tại sao tôi còn sống sót trong một cuộc chiến tranh mà cha tôi vì nó đã bỏ mình, anh tôi vì nó đã hy sinh, bạn bè tôi đã ra đi vĩnh viễn hoặc trở về với một phần thân thể bỏ lại trên chiến trường.

Đà Lạt của hồ Than Thở và Rừng Ái Ân, Đà Lạt của Cam Ly, của Trại Hầm. Đà Lạt, nơi chôn vĩnh viễn trong tôi một câu hỏi chưa được trả lời về một quá khứ đen.

Đà Lạt, thành phố trên cao của Việt Nam, tôi biết là nơi tôi sẽ trở về, luôn luôn mong ước trở về, để tìm cho tôi câu trả lời tôi đã sống như thế nào trong những ngày tôi vừa mới lớn với sách vở và chữ nghĩa trên trời giữa một dân tộc mà chiến tranh, tàn bạo, nghèo khó và chết chóc đang trùm phủ xuống đất nước tôi. Tôi là một người mù trong một thế giới tràn đầy biến động âm thanh cuồng nộ.

Đà Lạt trong trí nhớ tôi giờ đây vẫn còn là một câu hỏi. Cho tôi.[NXH]

* Blog của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG