Đường dẫn truy cập

Đa số bạo lực liên quan tới súng ở Mỹ không phải do bệnh tâm thần


Johnathan Dalton ngồi khóc 2 người bạn thiệt mạng trong vụ nổ súng tại Orlando, ngày 13/6/2016.
Johnathan Dalton ngồi khóc 2 người bạn thiệt mạng trong vụ nổ súng tại Orlando, ngày 13/6/2016.

Báo giới không biết rõ về tình trạng tâm thần của Omar Mateen, tay súng 29 tuổi nhã đạn tại một hộp đêm ở Orlando sáng sớm Chủ nhật giết chết 50 người trong vụ bắn người hàng loạt tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post, vợ cũ của Mateen, bà Sitora Yusifiy, nói ông là một người ‘thất thường’, ‘người vừa về tới nhà là ra tay đánh đập tôi.' Thông tin này có phần chắc sẽ khơi dậy tranh cãi về cách ngăn chặn không để cho súng lọt vào tay những tội phạm và những người mắc bệnh tâm thần.

Mọi chuyện diễn ra hầu như vẫn y như thế. Sau một vụ nổ súng ở Mỹ, người ta vinh danh các nạn nhân, một số người mang bóng bay, những người khác mang hoa. Một vài người rơi nước mắt. Thảm kịch gây rúng động nước Mỹ. Tiếp đó là những lời kêu gọi tăng cường luật lệ ngăn không cho những người bị bệnh tâm thần được tiếp cận súng ống.

Trong một chương trình đặc biệt trên CNN, một cảnh sát trưởng đã nêu câu hỏi này với Tổng thống Obama: ‘Lẽ ra Tổng thống nên làm gì để ngăn chặn các vụ xả súng hàng loạt và tấn công khủng bố? Làm thế nào để những người bệnh tâm thần và tội phạm sa lưới pháp luật? Đó thật sự là vấn đề hiện nay. Làm cách nào để buộc những người này phải tuân thủ luật pháp?"

Thế nhưng, vấn đề thực sự có thể nằm ở chỗ đa số người Mỹ quan niệm sai lầm rằng các hành vi bạo lực có phần chắc được thực hiện bởi những người bị bệnh tâm thần hơn là những người bình thường.

Bà Beth McGinty thuộc Đại học Johns Hopkins khẳng định: "Hầu hết những người bị bệnh tâm thần không đối xử bạo lực với người khác. Hầu hết bạo lực tại Mỹ, chẳng hạn như đa phần các vụ bạo lực súng ống, không phải là do bệnh tâm thần."

Bà McGinty nói tin tức truyền thông duy trì quan niệm rằng bạo lực súng ống thường đi đôi với bệnh tâm thần trong khi trên thực tế, vẫn theo lời bà, bệnh tâm thần chỉ có liên hệ với khoảng 4% tất cả các trường hợp tội phạm bạo lực trên nước Mỹ.

Bà McGinty nhấn mạnh: "Thậm chí trong trường hợp chúng ta có một hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần hoàn hảo có thể chữa trị cho tất cả mọi người khi cần và điều trị hiệu quả, thì chúng ta cũng chỉ có thể ngăn ngừa được từ 3% đến 5% các vụ bạo lực súng ống, 95% tới 97% còn lại vẫn chưa có biện pháp."

Nhận thức như vậy đã che phủ suy nghĩ của mọi người.

Ông Paul Gionfriddo, thuộc trung tâm sức khỏe tâm thần Mỹ nói: "Ngày nay người ta tin rằng hành động hay hoạt động bạo lực súng ống xảy ra là do bệnh tâm thần. Một khi xem đó là đáp án, người ta không thực sự suy nghĩ liệu có nguyên nhân nào khác nữa hay không, và cũng không phát hiện ra rằng có thể có nguyên nhân khác nữa."

Các chuyên gia đồng ý rằng các nguyên nhân gây bạo lực súng ống chưa được nghiên cứu tới nơi tới chốn và rằng cần phải điều nghiên kỹ các nguyên nhân ấy để ngăn ngừa số tử vong hoặc ít nhất là giảm bớt số tử vong vì súng ống.

VOA Express

XS
SM
MD
LG