Đường dẫn truy cập

Dân Việt mong chờ vaccine giải thoát dịch bệnh


Ảnh tư liệu - Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Ảnh tư liệu - Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

Người dân Việt Nam đang chuẩn bị bước vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5, thời điểm mà hầu hết các trung tâm du lịch thu hút khách như Đà Nẵng, Hội An – Quảng Nam, Sapa – Lào Cai hay Hạ Long – Quảng Ninh thường mở cửa chào đón du khách cho mùa du lịch hè thường niên. Tuy nhiên, mùa du lịch hè năm nay cũng như năm ngoái tiếp tục trong cảnh buồn chán và tâm lý nặng nề của rất nhiều người. Dù không còn sợ sệt, nơm nớp như năm ngoái khi đại dịch Covid mới bùng phát, nhưng người dân cả nước nói chung và đặc biệt là khu vực phía Nam năm nay lại có một nỗi lo khác. Đó là nỗi lo dịch bệnh sẽ theo khu vực biên giới Đông Nam tràn vào Việt Nam và tình trạng đóng cửa, hạn chế đi lại sẽ tái tục ngay trong dịp nghỉ lễ quan trọng này.

Ông Nguyễn Duy Thanh, một cư dân sinh sống ở ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh, cho biết càng gần đến lễ 30/4 và 01/5, ông càng lo lắng khi những tin tức về dịch bệnh Covid tại hai nước láng giềng là Lào và Campuchia ngày càng không khả quan.

“Mình mới nghe tin tức thì thấy là thủ đô Viên-chăn của Lào và cả Phnôm-Pênh của Campuchia đều đã phải đóng cửa trở lại do số ca nhiễm Covid tăng cao. Việt Nam hiện đã phải thành lập 2 bệnh viên dã chiến tại khu vực biên giới với hai quốc gia này. Người lao động Việt Nam sang làm việc tại Lào và Campuchia nhiều, dịp nghỉ lễ này người ta thường quay về nhà nhiều. Nếu có trường hợp dương tính mà lại trốn cách ly thì nguy,” ông Thanh bày tỏ quan ngại với VOA.

Qua hơn một năm chống chọi với dịch bệnh, có thể nói phần lớn mọi người đã chán ngán. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì không chỉ tâm lý ngày càng nặng nề, mà nhiều gia đình sẽ còn lâm vào tình cảnh khó khăn, túng thiếu khi không có nguồn thu vì nhiều hoạt động kinh tế suy giảm do không có khách và sự hạn chế chi tiêu.

Vì thế mà mọi người đều mong mỏi Việt Nam sớm có vaccine để có thể sớm kết thúc đại dịch. Tuy vậy, sự mong mỏi này, theo ông Thanh, rõ ràng là tuyệt vọng vì chả biết đến bao giờ Việt Nam mới có thể có được đầy đủ vaccine cho mọi người dân.

“Dân số cả trăm triệu mà chỉ có vài trăm nghìn liều vaccine có được từ Tổ chức Y tế thế giới thì giải quyết vấn đề gì đâu. Đến Châu Âu giờ còn thiếu vaccine thì Việt Nam mình không có hy vọng gì, chắc sẽ còn phải lâu lắm,” ông Thanh ngao ngán.

Theo một số người, có vaccine để giải quyết đại dịch Covid đối với Việt Nam là một bài toán rất khó vì ngay cả có kinh phí đi nữa cũng khó có thể mua được chứ đừng nói tới hoàn cảnh khó khăn hiện nay của Việt Nam.

“Bây giờ vaccine thì phải có tiền mà đặt mua, nhưng ngân sách của chính phủ thì rõ ràng không thể đáp ứng rồi; trong khi đó người dân thì cũng đã quá khó khăn vì dịch bệnh rồi nên phần lớn mọi người sẽ không sẵn sàng để chi trả chi phí vaccine. Vì thế nên tình trạng đóng cửa vì dân không có vaccine sẽ còn kéo dài ít nhất một-hai năm nữa, khi vaccine thật rẻ và đại trà thì mới mong có được,” anh Đỗ Hoàng Sơn, một cư dân ở Hà Nội, chia sẻ lo lắng.

Giữa bối cảnh ngày mở cửa trở lại vẫn còn mờ mịt, rất nhiều gia đình đang tìm cách thắt chặt chi tiêu để cầm cự trong thời gian tới.

“Dân Việt Nam chịu khổ quen rồi, nhưng bây giờ sống mà cầm cự như thời bao cấp ngày xưa thì còn ý nghĩa gì cơ chứ,” ông Thanh than thở.

VOA Express

XS
SM
MD
LG