Đường dẫn truy cập

Dự án đường sắt gây tranh cãi đội vốn thêm gần 8 triệu USD dù tiếp tục chậm tiến độ


Một đoàn tàu chạy thử nghiệm trên tuyến đường sắt giữa Cát Linh và Hà Đông ngày 20/9/2018. Dự án đường sắt nội đô hiện đại đầu tiên của Hà Nội, do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, tiếp tục đội vốn do chậm tiến độ trong nhiều năm qua.
Một đoàn tàu chạy thử nghiệm trên tuyến đường sắt giữa Cát Linh và Hà Đông ngày 20/9/2018. Dự án đường sắt nội đô hiện đại đầu tiên của Hà Nội, do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, tiếp tục đội vốn do chậm tiến độ trong nhiều năm qua.

Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam vừa cho biết chi phí cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, vốn gây nhiều tranh cãi do nhà thầu Trung Quốc xây dựng và bị trì hoãn trong nhiều năm qua, đã tăng thêm hơn 7,8 triệu USD do chậm tiến độ.

Theo truyền thông trong nước, Bộ GTVT cho biết trong văn bản trả lời Bộ Tài chính hồi đầu tháng 9 rằng do hợp đồng dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông không thể hoàn thành đúng tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện và việc này đã làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát. Khoản chi phí phát sinh là khoảng 7,835 triệu USD, theo văn bản của Bộ GTVT được các trang báo mạng trong nước trích dẫn.

Dự án đường sắt đô thị dài hơn 13km của thủ đô Hà Nội được khởi công cách đây gần 10 năm, vào tháng 10/2011, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư với nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 8.770 tỷ đồng, nhưng sau nhiều lần điều chỉnh đã đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD), theo VnExpress.

Hiện vốn vay ODA từ Trung Quốc cho dự án này là hơn 13,800 tỷ đồng. Việc xây lắp cũng như tư vấn và giám sát thi công đều do các nhà thầu của Trung Quốc thực hiện.

Với việc phát sinh thêm khoản chi phí hơn 7,8 triệu USD tiền tư vấn do chậm tiến độ, báo Lao Động đưa ra câu hỏi “Vậy ai sẽ phải trả khoản tiền này?” vì phía Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, nơi cung cấp nguồn vốn vay cho dự án, từ chối tài trợ cho hợp đồng tư vấn giám sát. Tờ báo này cho rằng nếu lấy tiền ngân sách để trả thì “thực chất vẫn là dân trả bởi nguồn thu chủ yếu của ngân sách là từ thuế doanh nghiệp và người dân.”

Dự án này lâu nay đã nhận nhiều lời chỉ trích từ nhiều người dân và cả các chuyên gia do chậm tiến độ nhiều năm và đội vốn hơn gấp đôi.

Dự kiến bắt đầu khai thác từ năm 2015, nhưng Bộ GTVT đã nhiều lần phải thay đổi tiến độ hoàn thành và khai thác thương mại đối với tuyến đường sắt trên cao qua 12 ga ở nội thành TP Hà Nội.

Bộ GTVT hồi cuối tháng 4 vừa qua đưa ra báo cáo hoàn thành thi công xây dựng dự án này nhưng mốc thời gian đưa vào khai thác cuối tháng 4 đầu tháng 5 không được thực hiện. Vào tháng 6, dư luận xôn xao trước thông tin của một số tờ báo trong nước cho biết rằng tư vấn Pháp khuyến cáo về các vấn đề an toàn của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Lý giải về lý do chậm tiến độ và đội vốn, GS-TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT, nói với Dân Việt rằng “dự án được đầu tư theo công nghệ Trung Quốc nhưng chúng ta lại thuê tư vấn Pháp áp tiêu chuẩn châu Âu để đánh giá chất lượng nên có sự vênh nhau.” Vị GS-TS này còn cho biết rằng đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam nên “chúng ta chưa có kinh nghiệm trong đấu thầu quốc tế, công nghệ, huy động nguồn vốn.”

Dự án đã có một số lần chạy thử nghiệm nhưng vẫn chưa thể chạy chính thức với nhiều lý do, theo Người Lao Động. Hiện vẫn chưa có thời điểm cụ thể cho việc đưa tuyến đường sắt này chính thức đi vào hoạt động và khai thác thương mại.

VOA Express

XS
SM
MD
LG