Đường dẫn truy cập

Đức: Thêm một nghi can khủng bố bị bắt


Một nhân viên cảnh sát Đức cầm tấm ảnh của một nghi can khủng bố trước mặt tiền phi trường Berlin-Schoenefeld ở Schoenefeld, gần Berlin ngày 9/10/2016.
Một nhân viên cảnh sát Đức cầm tấm ảnh của một nghi can khủng bố trước mặt tiền phi trường Berlin-Schoenefeld ở Schoenefeld, gần Berlin ngày 9/10/2016.

Cảnh sát Đức ngày 9/5 bắt giữ thêm một binh sĩ bị tình nghi dính líu tới một kế hoạch của một sĩ quan quân đội và một sinh viên thực hiện cuộc tấn công, có thể nhắm vào những chính trị gia không chống di dân, theo nguồn tin từ công tố viên liên bang.

Các công tố viên tin rằng 3 nghi can này muốn lôi kéo người tị nạn vào âm mưu tấn công của họ. Vụ này gây sốc dân chúng Đức và khuấy động tranh cãi về thực trạng các phần tử cực đoan cánh hữu đã xâm nhập sâu xa vào quân đội Đức như thế nào.

Văn phòng công tố nêu tên nghi can thứ 3 trong vụ này là Maximilian T., một công dân Đức 27 tuổi.

Cựu Tổng thống Joachim Gauck và Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas có tên trong danh sách có thể là mục tiêu tấn công.

Các nghi can định thực hiện cuộc tấn công giống như kiểu các phần tử Hồi Giáo, văn phòng Công tố cho biết thêm.

Binh sĩ đầu tiên và sinh viên được nhận diện là Franco A. và Mathias F., bị bắt hôm 26/4.

Maximilian T. thoạt đầu là nhân chứng trong vụ này, nhưng đã trở thành nghi can sau khi cảnh sát lục soát một vài căn hộ tại Đức và Pháp hôm 26/4, theo báo chí Đức.

Tạp chí Der Spiegel cho biết một số tài liệu tịch thu được của Franco A., chứa đựng chi tiết rõ ràng về những cuộc tấn công có thể xảy ra, trong đó bao gồm địa chỉ của Bộ Tư pháp và bản phác họa một căn phòng tại Quỹ bất vụ lợi Amadeu-Antonio ở Berlin.

Tạp chí này cũng cho biết là các nhà điều tra tìm thấy một danh sách các loại vũ khí khác nhau và giá cả những vũ khí này.

Tình báo quân đội Đức đã điều tra Maximilian T. vào tháng 9 năm 2015 sau khi một đồng đội của anh này báo cáo là Maximilian đã cố tuyển mộ người này để tấn công những người không phải người Đức, theo một nguồn thạo tin. Các nhà điều tra sau đó không điều tra nữa vì thiếu chứng cớ, tờ Der Spiegel tường trình.

Vụ việc cũng nêu lên nghi vấn về khả năng của các nhân viên tại các trại tạm trú nơi di dân đăng ký trước khi đệ đơn xin tị nạn.

Franco A. phục vụ tại một tiểu đoàn đóng tại Pháp, đã dùng căn cước giả để đăng ký là một người tị nạn Syria và chuyển đến một trại tạm trú tại Bavaria dù không nói được tiếng Ả Rập.

Binh sĩ này trước đây bị nhà cầm quyền Áo bắt vào cuối tháng 1 vì bị nghi dấu súng trong phòng vệ sinh tại phi trường Schwechat của Vienna.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG