Đường dẫn truy cập

Ai Cập hoãn vụ xử Tổng thống Mubarak đến tháng 12


Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong phòng xử án ở Cairo, 3/8/2011
Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong phòng xử án ở Cairo, 3/8/2011

Một tòa án Ai Cập đã hoãn vụ xử Tổng thống bị lật đổ, ông Hosni Mubarak, cho đến ngày 28 tháng 12, để cho thêm một tòa án nữa quyết định xem có nên để cho các thẩm phán mới đảm nhiệm xét xử vụ án này hay không. Ông Mubarak bị truy tố vì tội sát hại hơn 800 người biểu tình trong cuộc nổi dậy đã buộc tổng thống từng cầm quyền lâu đời phải từ chức vào tháng hai năm nay.

Những đồng bị cáo trong vụ này là hai người con trai, cựu bộ trưởng nội vụ và 6 sỹ quan an ninh cao cấp của ông. Tất cả những người này đã xuất hiện tại tòa án ở Cairo hôm Chủ nhật, trong lúc các thẩm phán loan báo quyết định hoãn lại phiên xử.

Luật sư cho những thân nhân của những người bị hạ sát trong cuộc nổi dậy đã đòi một tòa án khác thay thế đoàn thẩm phán gồm 3 người trong vụ xử ông Mubarak. Tòa phúc thẩm sẽ đưa ra quyết định về yêu cầu này vào ngày 26 tháng 12.

Trong một diễn biến khác, những công tố viên quân đội Ai Cập đã cho bắt giữ một người viết blog nổi tiếng hôm Chủ nhật, sau khi cho đòi ông đến để trả lời những câu hỏi về vai trò của ông trong một trận chiến ngoài đường phố trước đây trong tháng.

25 người đã thiệt mạng trong vụ đụng độ ngày 9 tháng 10, hầu hết là những người Thiên chúa giáo Ai Cập phản đối một vụ tấn công của người Hồi giáo vào một nhà thờ ở miền nam Ai Cập. Nhà chức trách Ai Cập nói có nhiều nhân viên an ninh thiệt mạng khi họ tìm cách giải tán cuộc biểu tình, sau đó đã biến thành bạo động.

Các công tố viên quân đội truy tố blogger Alaa Abdel Fattah tội khích động và tham gia bạo động và hạ lệnh giam giữ ông 15 ngày trong khi chờ điều tra. Một nhân vật tranh đấu khác xuất hiện trước các công tố viên vì cùng một tội danh, ông Bahaa Saber, không bị giam giữ.

Chị của ông Fattah nói hai nhân vật tranh đấu này từ chối không trả lời những câu hỏi của công tố viên quân sự vì họ tin rằng thẩm quyền quân đội không nên can dự vào hai vụ án này. Những người cầm quyền thuộc phe quân đội đã xét xử hàng ngàn thường dân trong những tòa án quân sự kể từ khi họ lên cầm quyền sau ông Mubarak.

Các tổ chức nhân quyền nói rằng những vụ án do tòa án quân sự xét xử như vậy là không công bằng và đưa đến những bản án thật nặng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG