Đường dẫn truy cập

Ai cập: Chính trị tiến tới, kinh tế tụt hậu


Ông Abdel Hamid Sayed, một người nghỉ hưu, muốn người dân Ai Cập có mức lương đủ sống
Ông Abdel Hamid Sayed, một người nghỉ hưu, muốn người dân Ai Cập có mức lương đủ sống

Các cử tri Ai Cập đang thực hiện những chọn lựa cuối cùng trong cuộc bầu cử Tổng Thống đầu tiên sau cách mạng. Nhưng nhiều người Ai Cập nói rằng tiến trình bầu cử sẽ không giải quyết được những ưu tư đè nặng trên tâm trí người dân: đó là tình trạng đáng buồn của nền kinh tế. Thông tín viên đài VOA Elizabeth Arrot mới đây đã viếng thăm Zagazig, trong vùng đồng bằng sông Nile, và gởi về bài tường thuật sau đây.

Cuộc cách mạng Ai Cập sẽ đem lại kết quả trong tháng này với cuộc bầu cử Tổng Thống đầu tiên được tranh đua rộng rãi của đất nước. Nhưng một lực đẩy nữa đứng sau cuộc nổi dậy hồi năm ngoái – lòng bất mãn về kinh tế – vẫn chưa dịu bớt.

Đối với một số người, chưa thấy có dấu hiệu kết thúc. Mohammed Said Zaki nằm trong số khoảng 25 phần trăm thanh niên Ai Cập bị thất nghiệp.

Zaki cho hay anh không biết đất nước đang hướng về đâu. Anh nói:

“Chúng tôi ra khỏi một cuộc khủng hoảng để bước vào một cuộc khủng hoảng khác.”

Tại một ngôi chợ ở Zagazig trong vùng đồng bằng phía đông bắc Cairo, buôn bán rất khó khăn đối với người bán rau Nagy el Din Osman.

Anh Osman nói rằng sau cách mạng, giá cả tăng vọt và không có biện pháp theo dõi hoặc kiểm soát nào.

Một phần của vấn đề là trong tình trạng rối loạn năm ngoái những con buôn chợ đen kiếm được rất nhiều tiền từ những mặt hàng được trợ giá.

Anh Zaki nói rằng người Ai Cập trung bình giờ đây phải đối diện với tình trạng thiếu hụt đủ thứ. Anh nói không thể nào có được những nhu yếu phẩm như một ổ bánh mì hay một bình khí đốt.

Không phải chỉ cá nhân những người Ai Cập bị thiệt hại. Nợ nần của quốc gia cũng chồng chất, dự trữ ngoại tệ sụt giảm, và mỗi vụ biểu tình chính trị xảy ra thì sẽ làm chậm lại việc phục hồi của một dịch vụ quan trọng là ngành du lịch.

Các chuyên gia kinh tế có xu hướng theo Tây Phương nói cần phải bơm ngoại tệ vào nền kinh tế quốc gia để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này, nhưng tình trạng mất lòng tin đối với các cường quốc nước ngoài ngày càng sâu thêm.

Một cuộc thăm dò hồi đầu năm nay cho thấy đa số nhân dân Ai Cập không muốn sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Một số người còn nói rằng tự Ai Cập một mình cũng giàu rồi. Nhưng họ lý luận rằng chính tham nhũng mới là vấn đề.

Anh Zaki nói đất nước Ai Cập có nhiều tài nguyên nhưng không được phân bổ đồng đều.

Hầu hết các ứng cử viên đều đã hứa hẹn là dẹp bỏ nạn bè phái và ưu đãi cá nhân là tính cách chung của nền kinh tế dưới chính phủ cũ. Nhưng lập trường kinh tế của họ, phần lớn vẫn có tính chung chung. Và ngay cả những người có kế hoạch cụ thể, với tình trạng một hiến pháp vẫn còn chưa rõ ràng là Tổng Thống kế tiếp sẽ có được bao nhiêu quyền lực.

Sự hứa hẹn về một đời sống khá hơn dưới quyền lãnh đạo mới là một trong những hứa hẹn bao hàm trong cuộc cách mạng Ai Cập.

Ông Abdel Hamid Sayed, một viên chức nghỉ hưu ngồi trong quán cà phê Zagazig, suốt đời đã được nghe toàn những lời hứa.

Chỉ vào những người người hầu bàn và các khách hàng kế cận, ông Saed nói tất cả những gì chúng ta cần là những người nghèo này có thể kiếm sống. Đó là tất cả những gì chúng ta cần nơi Tổng Thống hay bất cứ ai khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG