Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo châu Âu thúc đẩy Tổng thống Mubarak từ bỏ quyền hành


Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, phải, và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị thượng đỉnh EU, Brussels, thứ Sáu 4/2/2011
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, phải, và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại hội nghị thượng đỉnh EU, Brussels, thứ Sáu 4/2/2011

Trong khi những người biểu tình tổ chức thêm những cuộc tập họp đông đảo hơn, các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu đã cứng rắn hơn trong những lời kêu gọi tại một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Brussels, thúc đẩy Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ bỏ quyền hành đồng thời cũng yêu cầu các người biểu tình thân và chống chính phủ chấm dứt những vụ xung đột bạo động.

Năng lượng và khu vực đồng euro là đề tài thảo luận của các nhà lãnh đạo châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh một ngày hôm thứ Sáu. Tuy nhiên những cuộc thảo luận tại Brussels bị lu mờ vì những diễn biến tại Ai Cập nơi các yêu sách đòi Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức sớm hơn ngày càng nhiều.

5 nhà lãnh đạo EU hôm thứ Năm công bố một lời kêu gọi Tổng thống Mubarak bắt đầu chuyển tiếp ngay tức khắc qua thể chế dân chủ. Và vào ngày thứ Sáu, các nguyên thủ quốc gia EU kêu gọi chính phủ Mubarak mở các cuộc đàm phán với phe đối lập Ai Cập. Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra lời kêu gọi sắc bén. Ông nói cho đến nay những biện pháp mà nhà cầm quyền Ai Cập thực hiện là chưa đủ.

Thủ tướng Cameron nói: “Tôi nghĩ trên tất cả, thông điệp là: Nếu ngày nay chúng ta thấy trên đường phố Cairo những vụ bạo động do nhà nước tổ chức hay là việc thuê côn đồ để đánh đập những người biểu tình, thì Ai Cập và chế độ của nước này sẽ mất tất cả tính khả tín và sự ủng hộ còn lại trong con mắt của thế giới đang theo dõi, trong đó có nước Anh.”

Dù có những ngôn từ mạnh mẽ hơn, những nhà phân tích như ông Olivier Jehan, người đứng đầu văn phòng Brussels của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, nói châu Âu chậm đáp ứng với những cuộc biểu tình quét qua thế giới Ả Rập, bắt đầu từ Tunisia.

Ông Jehan nói: “Hiện nay Hoa Kỳ đóng vai trò chính và là nước đầu tiên có phản ứng đối với khu vực mà trên thực tế là sân sau của châu Âu.”

Một số nhà lập pháp châu Âu đã đồng ý với lời chỉ trích này và nói rằng châu Âu nên mạnh dạn hơn trong việc đáp ứng với những nguyện vọng dân chủ trên toàn thế giới Ả Rập.

Các nhà lãnh đạo EU cũng đang thảo luận về việc củng cố quỹ cứu nguy cho 17 thành viên cùng sử dụng đồng euro và những phương cách để giảm bớt sự lệ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng của nước ngoài.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG