Đường dẫn truy cập

EU, Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận về khủng hoảng di dân


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) trao đổi với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Estonia Taavi Rõivas trong một cuộc họp bàn tròn tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, ngày 18/3/2016.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (trái) trao đổi với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Estonia Taavi Rõivas trong một cuộc họp bàn tròn tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, ngày 18/3/2016.

Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Sáu đã nhất trí về một thỏa thuận mà cả hai bên đều hy vọng sẽ làm dịu bớt cuộc khủng hoảng người tị nạn trầm trọng nhất của châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu gọi đây là một thỏa thuận mang tính "bước ngoặt." Thủ tướng nói rằng ngày thứ Sáu là một "ngày lịch sử" đối với Thổ Nhĩ Kỳ và EU.

"Chúng tôi hôm nay nhận ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ và EU có cùng một vận mệnh, cùng những thách thức và cùng một tương lai," ông Davutoglu nói.

Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực vào Chủ nhật. Tất cả những di dân nhập cảnh Hy Lạp bất hợp pháp từ Syria và những nơi khác - bao gồm những người đã ở Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ bị gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ sau khi họ được đăng ký và đơn xin tị nạn ở châu Âu của họ được cứu xét.

Đổi lại, hàng ngàn người tị nạn chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ và xin bảo hộ tị nạn hợp pháp sẽ được tái định cư đồng đều khắp 28 nước thành viên EU.

Thổ Nhĩ Kỳ cho lưu trú gần 3 triệu người tị nạn Syria. Nước này sẽ được EU trợ giúp tài chính để đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn cùng với những cuộc đàm phán gia nhập EU nhanh hơn và quyền du hành miễn visa được cấp cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ khắp EU.

Những người di cư đi bộ dọc theo một con đường từ làng Chamilo đến trại di cư tại làng Idomeni, gần biên giới Hy Lạp - Macedonian, Hy Lạp, ngày 15 tháng 3 năm 2016.
Những người di cư đi bộ dọc theo một con đường từ làng Chamilo đến trại di cư tại làng Idomeni, gần biên giới Hy Lạp - Macedonian, Hy Lạp, ngày 15 tháng 3 năm 2016.

Thổ Nhĩ Kỳ có hồ sơ nhân quyền gây nhiều lo ngại và một số tổ chức nhân quyền nói rằng kế hoạch này sử dụng những người tìm nơi lánh chiến tranh, nghèo túng và khủng bố như những con tốt chính trị.

Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết điều quan trọng là tất cả các bên tôn trọng luật pháp quốc tế và châu Âu.

"Kế hoạch này được thi hành như thế nào là điều hệ trọng. Xét cho cùng thì sự ứng phó phải giải quyết những nhu cầu cấp thiết của những người lánh chiến tranh và sự bức hại. Người tị nạn cần được bảo vệ, không phải bị khước từ," UNHCR cho biết trong một thông cáo.

Thậm chí một số nhà lãnh đạo EU tham gia vào kế hoạch này nói rằng họ không hoàn toàn hài lòng về nó.

Những người Syria tập trung tại cửa khẩu Bab al-Salam, Syria, ngày 06 tháng 2 năm 2016.
Những người Syria tập trung tại cửa khẩu Bab al-Salam, Syria, ngày 06 tháng 2 năm 2016.

Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite nói đề xuất này "nằm ở rìa của luật pháp quốc tế" và có lẽ khó thi hành. Còn Thủ tướng Bỉ Charles Michel cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tống tiền.

Nhưng châu Âu từ nhiều tháng qua đã vật lộn với cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất của châu lục này trong 70 năm qua và chưa ai đưa ra được một giải pháp mà tất cả mọi người có thể đồng ý.

Hơn 1,2 triệu di dân chủ yếu đã đổ bộ xuống những bờ biển của Hy Lạp và Ý kể từ tháng 1 năm 2015 và khoảng 4.000 người đã bị chết đuối trong khi cố gắng vượt Biển Aegea giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Hàng ngàn người khác bị chết đuối ở Địa Trung Hải nguy hiểm sau khi trả tiền cho những kẻ buôn người. Trẻ em nằm trong số những nạn nhân.

Thủ tướng Davutoglu nói rằng tình cảnh của những người tị nạn không phải là vấn đề mặc cả, mà là vấn đề những giá trị nhân đạo cũng như những giá trị châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG