Đường dẫn truy cập

EU tìm cách tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc bằng hiệp định đầu tư


Cờ EU, Trung Quốc tại Điều Ngư Đài, Bắc Kinh (ảnh tư liệu, 25/6/2018)
Cờ EU, Trung Quốc tại Điều Ngư Đài, Bắc Kinh (ảnh tư liệu, 25/6/2018)

Liên hiệp châu Âu và Trung Quốc hôm thứ Tư 30/12 đi đến nhất trí về một hiệp định đầu tư sẽ giúp các công ty châu Âu tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc và giúp khắc phục điều mà châu Âu xem là quan hệ kinh tế không cân bằng.

Việc đàm phán về hiệp định kéo dài gần 7 năm và nhiều khả năng phải mất ít nhất 1 năm nữa mới có hiệu lực. Hiệp định hình thành một phần của mối quan hệ mới với Trung Quốc, quốc gia mà EU xem như vừa là đối tác vừa là đối thủ về nhiều mặt.

Các công ty châu Âu sẽ được phép hoạt động tại Trung Quốc trong các lĩnh vực bao gồm ô tô điện, bệnh viện tư nhân, bất động sản, quảng cáo, công nghiệp hàng hải, dịch vụ đám mây viễn thông, hệ thống đặt mua vé máy bay và dịch vụ mặt đất của ngành hàng không. Một số quy định về các công ty phải liên doanh với các đối tác Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ.

Trung Quốc cũng sẽ cấm việc ép buộc chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài, đồng thời họ cam kết minh bạch hơn về trợ cấp và cấm các doanh nghiệp nhà nước phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài.

Thỏa thuận này mang lại cho châu Âu một mức độ ngang bằng với Hoa Kỳ, quốc gia đã đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn I” với Trung Quốc.

Jake Sullivan, người được Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn làm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã viết trên Twitter hồi tuần trước rằng chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ hoan nghênh các cuộc tham vấn sớm với châu Âu về các hành xử kinh tế của Trung Quốc.

Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc bao gồm cả các cam kết về biến đổi khí hậu và quyền lao động.

Các cam kết đều là có đi có lại, nhưng thị trường EU vốn đã rộng mở hơn rất nhiều. Phía EU nhượng bộ một chút về lĩnh vực năng lượng, nhưng họ nói rằng những gì họ đưa ra cho phía Trung Quốc chủ yếu không nằm ngoài mức độ rộng mở hiện có.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG