Đường dẫn truy cập

G7 hợp tác với nhau để viện trợ mùa đông cho Ukraine


Các Ngoại trưởng khối G7 họp tại Muenster, Đức, ngày 3/11/2022.
Các Ngoại trưởng khối G7 họp tại Muenster, Đức, ngày 3/11/2022.

Các bộ trưởng ngoại giao G7 ngày 3/11 họp bàn cách hỗ trợ Ukraine trong suốt mùa đông trước các cuộc tấn công của Nga vào lưới điện của nước này cũng như cách đối phó với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và cuộc đàn áp biểu tình tại Iran.

Cuộc họp kéo dài hai ngày ở Đức diễn ra trong bối cảnh lo ngại về sự nhất quán của phương Tây hỗ trợ Ukraine chống lại Nga xâm lược, giữa các thay đổi về lãnh đạo trên khắp châu Âu và khả năng đảng Cộng hòa ở Mỹ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tuần tới.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của các nền dân chủ giàu có G7 sẽ tham gia các phiên họp tại thành phố Muenster phía tây nước Đức, tập trung vào Ukraine, Trung Quốc và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như Iran và châu Phi, cùng những vấn đề khác.

“Các đối tác G7 sẽ cùng nhau khởi động viện trợ mùa đông cho Ukraine”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu khi khai mạc hội nghị. “Chúng tôi sẽ không để cho nhiều người - người già, trẻ em, thanh thiếu niên, các gia đình - chết vì đói hoặc lạnh trong những tháng mùa đông sắp tới do các chiến thuật tàn bạo của Tổng thống Nga.”

Ngoại trưởng Baerbock nói hơn 30%, và có lẽ là 40%, lưới điện của Ukraine đã bị phá hủy.

Bà lưu ý: “Điều này không chỉ có nghĩa là không có đèn điện trong trường học, bệnh viện, mà các nhà máy nước chạy bằng năng lượng điện cũng không thể bơm nước”. Bà cho biết Đức sẽ gởi hơn 100 máy phát điện cho Ukraine để ổn định lưới điện.

“Chúng tôi cũng sẽ cung cấp máy sưởi, máy bơm, nhà vệ sinh, giường, chăn và lều,” bà nói và cho biết thêm các nước khác cũng đã cam kết hỗ trợ. Viện trợ chung trong mùa đông sẽ do các đối tác G7 điều phối, vẫn theo lời bà.

Tập trung vào châu Á

Cuộc họp cũng là dịp để G7 thảo luận về những diễn tiến tại Trung Quốc và cách đảm bảo an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực tại Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng trước.

Trong bài phát biểu khai mạc đại hội, ông Tập nói rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đảm bảo thống nhất với hòn đảo Đài Loan tự trị, mà nước này tuyên bố thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Bà Baerbock nói: “Về Trung Quốc, chúng tôi sẽ thảo luận về cách ngăn chặn lặp lại những sai lầm trong quá khứ mà chúng tôi đã mắc phải trong chính sách về nước Nga của mình”. Bà nói thêm là sự hợp tác đa dạng toàn cầu là cần thiết.

Sự phụ thuộc của Đức vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng khi Moscow giảm dòng chảy khí đốt đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xâm lược của họ, khuấy động lời kêu gọi châu Âu xem xét lại việc phụ thuộc vào thương mại với Bắc Kinh.

Nhật Bản và Đức đã đồng ý làm việc hướng tới một hiệp ước hậu cần quân sự, một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết ngày 3/11 sau cuộc gặp song phương bên lề cuộc họp G7.

Các bộ trưởng G7 cũng sẽ giải quyết các quyết định gây tranh cãi gần đây của Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi cho phép công ty vận tải biển Trung Quốc Cosco đầu tư vào một bến tàu ở cảng Hamburg và sẽ có chuyến thăm tới Bắc Kinh vào ngày 4/11.

Những người chỉ trích cáo buộc ông Scholz tiếp tục đặt lợi ích kinh tế của Đức ưu tiên trên các mối quan tâm an ninh rộng lớn hơn khi đối mặt với một nhà nước độc tài ngày càng quyết đoán, như cách mà họ nói là người tiền nhiệm của ông, bà Angela Merkel, đã làm với Nga.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm 2/11 rằng Hoa Kỳ đã “cực lực đề nghị” chớ để cho Trung Quốc có lợi ích kiểm soát đối với một bến tàu ở cảng Hamburg.

Cuối cùng, Đức đã quyết định cho phép Cosco chỉ có 24,9% cổ phần trong bến tàu, giảm so với tỉ lệ ban đầu là 35% cổ phần. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/11 nói Hoa Kỳ “không có quyền” can thiệp vào hợp tác của Trung Quốc với Đức.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết Đức đã mời Ghana, Kenya và Liên hiệp châu Phi tham gia cuộc họp G7 để thảo luận về biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, dân chủ, giải quyết xung đột và khủng hoảng nhân đạo.

Phiên họp G7 được tổ chức bởi Đức với tư cách là nước giữ chức chủ tịch luân phiên của khối. Thành phố Muenster đang tổ chức cuộc họp ngoại giao lớn đầu tiên kể từ khi ký kết hiệp ước Westphalia năm 1648 kết thúc Chiến tranh Ba mươi năm ở Châu Âu.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG