Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Gần 31 triệu người bị ảnh hưởng COVID, thất nghiệp cao nhất 10 năm


Công nhân tại một xưởng may ở tỉnh Thái Bình.
Công nhân tại một xưởng may ở tỉnh Thái Bình.

Hôm 10/7, Việt Nam cho biết có đến 30,8 triệu người, tức 1/3 dân số cả nước, bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi COVID-19 và con số này có thể tăng thêm vào cuối năm nay.

Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) cho biết như trên, loan báo thêm rằng đến hết quý II/2020, số người thất nghiệp tăng lên khoảng 1,5 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp trong quý II là 2,73%, trong đó tại khu vực thành thị là 4,46% - mức cao nhất 10 năm qua.

Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động, vẫn theo GSO.

Còn theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thì có đến 7,8 triệu lao động mất việc, phải nghỉ luân phiên, giãn việc… do ảnh hưởng của COVID-19. Bộ này dẫn lời ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết tại một hội nghị vào ngày 29/6 rằng thị trường lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch “với số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn”.

Theo GSO, trong số gần 31 triệu lao động bị tác động, có 72% lao động trong ngành dịch vụ, kế đến là ngành công nghiệp và xây dựng.

Truyền thông Việt Nam cho biết một số doanh nghiệp như công ty TNHH PouYuen Việt Nam dự kiến cắt giảm gần 3.000 lao động trong thời gian tới; công ty dệt may Huê Phong, công ty gỗ Woodworth Wooden cũng đã xây dựng kế hoạch cắt giảm hơn 2.000 lao động do lượng đơn hàng giảm đến 50%.

Hãng tin Bloomberg hôm 10/7 dẫn thông tin từ Bộ Công Thương Việt Nam cho biết có đến 50% đơn đặt nước ngoài đã bị hủy trong nửa đầu năm nay do sự bùng phát của dịch bệnh, chủ yếu trong tháng 5 và tháng 6. Riêng sản lượng xuất khẩu giày dép giảm 6,7% trong 6 tháng đầu năm.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong phòng chống dịch, nhưng những tác động kinh tế thì rất sâu rộng, khiến GDP quý II năm nay của Việt Nam chỉ tăng 0,36%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Đây là con số tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm qua.

Tuần trước, Việt Nam loan báo có 12 tỉnh, thành phố tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm, phần lớn là các tỉnh phụ thuộc nhiều vào ngành dịch vụ du lịch như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Vĩnh Phúc…

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng GDP của Việt Nam sẽ có mức tăng 2,7% trong năm nay, một mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với con số 7% ấn tượng của năm ngoái.

VOA Express

XS
SM
MD
LG