Đường dẫn truy cập

Giới chống đối ở Nam Triều Tiên nói THAAD có thể hại nhiều hơn lợi


Cư dân ở địa điểm dự định bố trí hệ thống THAAD tụ tập tại Seoul hô khẩu hiệu phản đối kế hoạch này, 21/7/2016.
Cư dân ở địa điểm dự định bố trí hệ thống THAAD tụ tập tại Seoul hô khẩu hiệu phản đối kế hoạch này, 21/7/2016.

Hôm nay, nhiều ngàn cư dân ở địa điểm dự định bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD đã tụ tập ở thủ đô Nam Triều Tiên để lên án hệ thống là một mối đe dọa về sức khỏe và an toàn đối với cộng đồng của họ.

Các nhà hoạt động cho hòa bình cũng mở một cuộc họp báo ở Seoul để trình bày lập luận chống lại hệ thống THAAD vì lý do an ninh quốc gia, và cho rằng hệ thống này sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực, đánh mất hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga vì những biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên và hợp thức hóa chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye bênh vực quyết định bố trí hệ thống THAAD và hối thúc nước bà đoàn kết trước mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ phía Bắc Triều Tiên.

Bà nói: “Nếu chúng ta tiếp tục chia rẽ và sự hoang mang trong xã hội tiếp tục về một quyết định mà chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là bảo vệ đất nước và mạng sống của nhân dân chúng ta, thì đó chính xác là nơi Bắc Triều Tiên muốn đưa chúng ta đến.”

Răn đe

Chính quyền Kim Jong Un vẫn thách thức trước các biện pháp chế tài gay gắt mà quốc tế đã áp đặt sau cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và một vụ phóng hỏa tiễn tầm xa trong năm nay.

Bắc Triều Tiên đã phóng nhiều phi đạn trong mấy tháng vừa qua để cải tiến các khả năng của các hệ thống vũ khí của họ và đã có tin về hoạt động tại địa điểm hạt nhân của nước này cho thấy một cuộc thử nghiệm khác có thể đang nằm trong giai đoạn hoạch định.

Hệ thống THAAD được thiết kế để ngăn cản các phi đạn tầm cao đi tới. Chính phủ lập luận rằng hệ thống này sẽ hữu hiệu trong việc bảo vệ phần lớn đất nước chống lại một vụ tấn công bằng phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, những người chống đối nói rằng các lợi ích quân sự của THAAD không quan trọng và nêu ra rằng các khu vực như Seoul, nằm gần biên giới giáp với Bắc Triều Tiên, vẫn dễ bị tác động của các phi đạn tầm thấp và các vụ tấn công bằng trọng pháo.

Quân đội Nam Triều Tiên cho biết họ đang cố gắng gia tăng các hệ thống phòng thủ phi đạn Patriot cho các khu vực này.

Ngoại giao

Trong khi THAAD có thể không làm thay đổi thế quân bình lực lượng quân sự ở bán đảo Triều Tiên, các nhà hoạt động cho hòa bình nói hệ thống này sẽ gây phương hại cho hậu thuẫn quốc tế rộng rãi đòi miền Bắc phải quay trở lại các cuộc thương thuyết về giải trừ vũ khí hạt nhân.

Ông Lee Hae-jeong, một giáo sư về chính trị quốc tế tại trường Đại học Chung-Ang và là một nhà hoạt động trong nhóm có tên là Trung tâm Hòa bình và Giải giới Đoàn Kết và Tham gia Dân chủ Nhân dân, nêu nhận định:

“Nam Triều Tiên đã đánh mất sự tín nhiệm về chiến lược mà họ đã xây dựng với Trung Quốc và Nga.”

Trung Quốc và Nga ủng hộ các biện pháp chế tài gay gắt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên vì vụ thử nghiệm hạt nhân năm nay, và đã kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân mà họ bị cấm chỉ.

Nhưng Bắc Kinh và Moscow cũng lên án THAAD là một mưu toan gia tăng lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực và sử dụng radar mạnh của hệ thống để theo dõi các cơ sở quân sự của họ.

Thay vì củng cố an ninh Nam Triều Tiên, những người chống đối lo ngại rằng THAAD sẽ gây chia rẽ thêm khu vực, và làm cho Trung Quốc và Nga có nhiều phần chắc hơn sẽ ủng hộ một Bắc Triều Tiên có hạt nhân.

Những nỗi lo sợ ở địa phương

Nhiều người trong số khoảng 2 ngàn người biểu tình tụ tập ở Seoul hôm nay là cư dân của quận Seongju, gần địa điểm được định để bố trí THAAD. Trong số này có tỉnh trưởng Seongju, người đã cạo trọc đầu để phản đối.

Nhiều cư dân Seongju lo ngại rằng phóng xạ điện từ phát ra từ hệ thống radar mà THAAD sử dụng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho cư dân ở gần đó và làm ô nhiễm các nông sản.

Quân đội Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã tìm cách bác bỏ những quan ngại này bằng cách công khai tiến hành các cuộc thử nghiệm hệ thống THAAD ở Guam và một hệ thống phòng thủ phi đạng Patriot ở phía nam Seoul cũng dùng một dàn radar tương tự. Trong cả hai trường hợp, lượng phóng xạ tiết ra nằm trong tiêu chuẩn an toàn. Chính phủ trấn an cư dân địa phương rằng THAAD sẽ được đặt cách xa các khu đông dân 1,5 kilomet.

Nhưng những người chống đối nêu thắc mắc về giá trị của các cuộc thử nghiệm này và tỏ ra phẫn nộ về sự thiếu minh bạch trong tiến trình thẩm định và lựa chọn.

Ông Park Jung-eun, người lãnh đạo của nhóm Đoàn Kết để Tham gia Dân chủ Nhân dân, nói:

“Đó là cách thức mà chính phủ Nam Triều Tiên đối phó với vụ tranh chấp THAAD, khiến cư dân phải chấp thuận quyết định đơn phương của chính phủ.”

Tuần trước, khi thủ tướng Nam Triều Tiên đi thăm Seongju để giải quyết những quan ngại của dân chúng địa phương về THAAD, ông đã bị người biểu tình giận dữ phản đối, bị ném trứng và chai nước, và chiếc xe buýt chở ông đã bị bao vây và chận lại nhiều giờ đồng hồ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG