Đường dẫn truy cập

Giới lập pháp muốn Mỹ siết chặt tay với các đảo TBD để chống lại Trung Quốc


Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 10/7/2023.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 10/7/2023.

Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ đề xuất luật hỗ trợ thành lập các hội đồng an ninh quốc gia tại các quốc đảo chiến lược ở Thái Bình Dương, nơi có các cơ sở quân sự quan trọng của Hoa Kỳ và có nguy cơ bị Trung Quốc thực hiện các hoạt động gián điệp và uy hiếp.

Các điều khoản này nằm trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng NDAA, đã được Thượng viện thông qua vào tháng trước nhưng vẫn còn vài bước nữa mới trở thành luật và sẽ cho phép phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan an ninh Hoa Kỳ và Palau, Quần đảo Marshall và Micronesia.

Các quốc gia này dân cư thưa thớt, có lãnh thổ bao phủ các khu vực rộng lớn ở Thái Bình Dương và có quan hệ với Hoa Kỳ được điều chỉnh bởi cái gọi là Các hiệp ước Liên kết Tự do COFA.

Theo những hiệp ước này, Washington giữ trách nhiệm bảo vệ các nước trong hiệp ước và cung cấp hỗ trợ kinh tế trong khi giành được quyền tiếp cận độc quyền đối với các vùng biển chiến lược.

Hoa Kỳ gần đây đã đồng ý gia hạn các thỏa thuận COFA với Micronesia và Palau và vẫn đang đàm phán với Quần đảo Marshall vào thời điểm Trung Quốc đang có những bước xâm nhập đáng kể vào Thái Bình Dương, một khu vực mà Hoa Kỳ từ lâu đã coi là sân sau của mình.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jodi Ernst, đồng bảo trợ cho dự luật được đề nghị, nhấn mạnh thách thức do Trung Quốc đặt ra, lưu ý tới mối quan hệ ngày càng tăng của Bắc Kinh với Quần đảo Solomon và các cuộc xâm nhập bởi các tàu Trung Quốc vào vùng biển của Palau.

“Hiện tại, có sự phối hợp hạn chế giữa Hoa Kỳ và các quốc gia COFA để chống lại ảnh hưởng xấu của Trung Quốc, hạn chế việc Trung Quốc mua đất xung quanh các cơ sở của Hoa Kỳ trên các đảo, hoặc ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Quốc và giám sát hoạt động của Hoa Kỳ trên khắp các quốc đảo này,” bà nói trong một tuyên bố được chia sẻ với Reuters.

Bà nói thêm: “Vị trí chiến lược của những hòn đảo này là không thể thiếu đối với an ninh quốc gia của chúng ta, nhưng việc thiếu các kênh an ninh trực tiếp giữa các quốc gia của chúng ta sẽ tạo ra rủi ro”.

Điều khoản trong NDAA được đồng bảo trợ bởi các đảng viên Đảng Dân chủ Mazie Hirono, Tim Kaine và Chris Van Hollen.

Một phụ tá của bà Ernst cho biết Palau đã thành lập một hội đồng an ninh quốc gia và các quốc gia COFA khác đang tích cực xem xét việc này.

Nguồn tin này lưu ý rằng Hoa Kỳ có các cơ sở quân sự quan trọng trên các đảo, bao gồm radar công suất cao ở Palau và địa điểm thử nghiệm phi đạn tầm xa chính ở Quần đảo Marshall.

Ông nói, các hội đồng này sẽ bao gồm các thành viên của các quốc gia COFA tương ứng và sử dụng các thiết bị liên lạc được Ngũ Giác Đài chấp thuận để ngăn chặn hoạt động gián điệp của Trung Quốc và cho phép chia sẻ thông tin tình báo.

Ngoài việc chống lại hoạt động gián điệp của Trung Quốc, các hội đồng sẽ cho phép phối hợp tốt hơn trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải và chống đánh bắt trái phép, ông nói.

“Dự luật này không bắt buộc các đảo COFA phải làm bất cứ điều gì, nhưng nó có nghĩa là nếu bạn chọn xây dựng các hội đồng này ... thì Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho sự hợp tác đó bao gồm chia sẻ thông tin tình báo và các loại hình hợp tác khác,” phụ tá của bà Ernst cho biết thêm.

Diễn đàn

Liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG