Đường dẫn truy cập

Hậu thảm kịch 39 thi thể: Các gia đình ‘chật vật trả nợ’


Gia đình cô Bùi Thị Nhung ở Nghệ An đặt bàn thờ cho cô
Gia đình cô Bùi Thị Nhung ở Nghệ An đặt bàn thờ cho cô

Sau khi đã hoàn tất việc an táng ở quê nhà, gia đình của 39 di dân bất hợp pháp thiệt mạng hồi tháng 10 trong thùng xe đông lạnh ở Anh giờ đang đối mặt với bài toán nợ nần mà họ đã vay mượn để chi trả cho hành trình đến Anh của thân nhân.

Trước đó, các gia đình này đã nhận được tiền hỗ trợ từ một số mạnh thường quân, trong đó có những nhóm đã đứng ra vận động quyên góp trên mạng xã hội, để trang trải chi phí vận chuyển thi thể và mai táng.

Hai nước Anh và Việt Nam đã phối hợp để giúp đưa thi thể và tro cốt của 39 nạn nhân này về đến quê nhà, chủ yếu ở hai tỉnh miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh. Chính quyền Việt Nam đã đứng ra tạm ứng chi phí cho các gia đình (số tiền là 66,2 triệu đồng nếu đưa thi thể về) sau khi các gia đình ký vào giấy cam kết sẽ hoàn trả lại số tiền này cho ngân sách nhà nước, truyền thông trong nước đưa tin.

‘Không có tiền trả nợ’

Từ xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, anh Bùi Văn Điệp, anh trai của cô Bùi Thị Nhung, một trong số 39 nạn nhân, cho VOA biết với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm thì gia đình anh ‘có thể trả hết nợ cho chính quyền’ (tiền tạm ứng đưa thi thể về) nhưng ‘số tiền vay cho em (Nhung) đi thì không đủ’.

Anh Điệp cho biết tổng cộng gia đình anh đã vay 15.000 đô la Mỹ cùng với 13.000 bảng Anh (gần 740 triệu đồng) để thanh toán cho những người thực hiện chuyến đi của cô Nhung sang Anh.

“Gia đình tôi đã cầm đất, cầm nhà. Bây giờ không có tiền trả nợ thì sẽ bị họ lấy nhà, lấy đất,” anh nói và cho biết gia đình anh đã vay từ cả nguồn ngân hàng lẫn vay nặng lãi tư nhân ở địa phương.

Thi thể của cô Nhung nằm trong số 23 nạn nhân được hồi hương đợt hai đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội, hôm 30/11 và sau đó được xe đưa về đến quê nhà để làm lễ an táng.

Anh Điệp cho biết đại diện của bà Đỗ Thị Kim Liên, lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi ở Việt Nam, đã ‘đến tận gia đình để hỗ trợ số tiền đưa em từ Anh về’. Ngoài ra, hội đồng hương Nghệ An ở Úc cũng ‘hỗ trợ được 15,5 triệu đồng’.

Trang mạng Microsoft News dẫn lời một số gia đình nạn nhân ở Nghệ An cho biết họ đã nhận được số tiền 66 triệu đồng từ bà Liên. Chính quyền địa phương cũng đã xác nhận về việc này. Bà Liên là chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty nước mặt sông Đuống, người gây ồn ào dư luận trong thời gian qua với mức giá nước cao.

Khi được hỏi về khả năng gia đình thanh toán khoản nợ trên 700 triệu đồng đã vay, anh trai nạn nhân Nhung nói: “Nhà tôi nghèo. Bố đã mất. Tôi đi làm phụ hồ cho người ta ngày kiếm được có 300 ngàn đồng. Trừ chi phí ăn uống chỉ còn lại 200 ngàn đồng thôi.”

Anh nói gia đình anh ‘đã chuẩn bị cho khả năng bị mất nhà và mất đất’.

“Chúng tôi đang kêu gọi người hảo tâm quyên góp. Cho được đồng nào thì cảm ơn chứ chúng tôi còn biết làm gì nữa đâu,” anh nói.

Khi được hỏi chính quyền có hỗ trợ gì không, anh nói ‘họ không hỗ trợ cái gì cả mà chỉ xuống nói chuyện là muốn đem thi thể hay tro cốt em về thôi’.

“Bà con lối xóm cũng có đến chia sẻ và động viên gia đình,” anh nói.

Anh Điệp cho biết những người cho vay tiền ‘có đến thuyết phục gia đình cho em Nhung đi’. Sau khi xảy ra thảm họa bên Anh, những chủ nợ này ‘cũng đến chia buồn với gia đình’ nhưng ‘họ không hề nói gì về việc sẽ xóa nợ’.

“Công việc (hậu sự) xong xuôi mà họ đòi thì phải trả,” anh cho biết.

Khi được hỏi gia đình có ân hận khi để cho cô Nhung mạo hiểm nhập cư bất hợp pháp vào Anh không, anh Điệp nói: “Em có điện về báo rằng em đi hạng VIP (tức là ngồi ô tô chứ không phải thùng xe đông lạnh). Em tắt máy thế rồi em đi. Được 2, 3 ngày sau thì nghe tin em nằm trên chuyến xe container. Nếu gia đình biết được em bị nhốt trong chiếc xe container đó thì gia đình sẽ không cho em đi.”

Dư luận

Bản tin của thông tấn xã Việt Nam cho biết việc các thi thể được hồi hương ‘là kết quả sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng chính phủ, nỗ lực của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cùng nhiều cơ quan chức năng và địa phương trong nước trong việc phối hợp chủ động, chặt chẽ với phía Anh’.

Trao đổi với VOA với điều kiện ẩn danh, một nhà hảo tâm trong nước đứng ra gây quỹ giúp các gia đình nạn nhân cho biết ‘chính quyền đã rất hỗ trợ’ cho công việc của họ.

“Trên mỗi bước đường của chúng tôi, chính quyền địa phương đã giúp đỡ chúng tôi tiếp cận và liên lạc với các gia đình,” nhà hảo tâm này nói.

Cũng theo nguồn tin ẩn danh này thì chính quyền Việt Nam đã ‘đàm phán để giảm chi phí hồi hương thi thể xuống còn phân nửa (còn 66,2 triệu đồng), hỗ trợ giấy tờ, chuyến bay, giúp phân phối tiền cứu trợ, tạm ứng hoặc cho vay trước cho các gia đình’.

Nhà hảo tâm này cho biết chiến dịch gây quỹ trên mạng của họ đã nhận được ‘hàng chục ngàn đô la Mỹ’ với sự quyên góp ‘từ khắp thế giới’, thậm chí ‘có người còn quyên góp hai lần’.

Hiện tại nhóm hảo tâm này đã đến hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để trao trực tiếp số tiền mà họ quyên góp được cho gia đình các nạn nhân. Họ sẽ trao cho mỗi gia đình một mức sàn như nhau (1.000 hay 1.500 đô la). Số tiền còn lại sau đó sẽ được phân phối thêm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn, nguồn tin này cho VOA biết.

Tuy nhiên, vị hảo tâm giấu tên này cũng nói rằng chiến dịch gây quỹ của họ đã ‘gặp rất nhiều sự chống đối và chỉ trích từ dư luận trong nước’.

Nguyên nhân, theo nhà hảo tâm này, là ‘nhiều người Việt Nam cho rằng những di dân lậu này chính là nguyên nhân khiến cho các nước ngày càng nhìn người Việt Nam với con mắt dò xét và siết chặt thị thực đối với người Việt’.

Thứ hai, gia đình các nạn nhân được cho là ‘giàu có’ vì họ có thể trang trải đến gần 30.000 bảng Anh cho một chuyến đi sang Anh. Họ cũng bị chỉ trích là ‘tham lam’ vì ‘ham kiếm tiền nhanh ở nước ngoài’ thay vì đến các thành phố lớn ở trong nước để tìm việc. Do đó, nhiều người cho rằng ‘họ không đáng nhận được sự giúp đỡ’.

Thứ ba, việc hỗ trợ tiền cho các nạn nhân được cho là ‘sẽ khuyến khích thêm nhiều người muốn nối gót họ’.

Chính vì vậy, nhà hảo tâm này cho biết trang Facebook cá nhân cùng trang gây quỹ của họ đã bị nhiều người báo cáo và yêu cầu phải dỡ xuống.

Nhà vận động vừa kể cho biết trong thời gian tới nhóm của họ muốn ‘tập trung vào vấn đề cốt lõi’ của nạn xuất khẩu lao động lậu ở các tỉnh miền Trung, đó là ‘thông tin sai lệch đánh lừa người dân, các tổ chức trục lợi từ việc thúc đẩy người dân đi làm ở nước ngoài, sự thiếu động lực học hành cũng như theo đuổi sự nghiệp ở giới trẻ’.

“Có cơ hội di động xã hội (từ tầng lớp thấp leo lên tầng lớp cao) trong khi người dân ở đó không tin vào bản thân mình mà chỉ thấy hàng xóm đi xuất khẩu lao động kiếm tiền thật nhanh,” nguồn tin ẩn danh này nói với VOA.

Liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG