Đường dẫn truy cập

Hà Nội mong Bắc Kinh tự chế trên Biển Đông khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN


Một tàu hải cảnh của Trung Quốc được nhìn thấy gần một tàu hải cảnh của Việt Nam trên biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 210km, hồi năm 2014. Việt Nam hy vọng Trung Quốc sẽ "kiềm chế" trên Biển Đông trong năm tới. (REUTERS/Nguyen Minh)
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc được nhìn thấy gần một tàu hải cảnh của Việt Nam trên biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 210km, hồi năm 2014. Việt Nam hy vọng Trung Quốc sẽ "kiềm chế" trên Biển Đông trong năm tới. (REUTERS/Nguyen Minh)

Việt Nam hy vọng Trung Quốc sẽ tự chế trên Biển Đông vào năm tới khi Việt Nam đảm nhiệm ghế chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2020.

Hà Nội trong năm nay đã nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam khi đưa tàu khảo sát cùng các tàu hộ tống ra vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore hôm 17/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nói: “Tôi hy vọng trong thời gian chúng tôi giữ cương vị chủ tịch (ASEAN), Trung Quốc sẽ thể hiện sự kiềm chế và dừng các hoạt động này,” theo Reuters.

Nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc chỉ mới rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào cuối tháng 10 năm nay, sau hơn 3 tháng hoạt động “trái phép” quanh khu vực Bãi Tư Chính. Bắc Kinh thừa nhận đã thực hiện cuộc khảo sát khoa học, nhưng một mực khẳng định vùng biển đó là thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.

“Những gì Trung Quốc đã làm là rất đáng lo ngại và cũng là một mối đe dọa không chỉ nhắm vào Việt Nam mà còn nhắm vào các nước khác, vốn thấy trước nguy cơ bị đe dọa trong tương lai,” ông Dũng được Reuters trích lời nói tại Singapore.

Năm 2020 được coi là một “dấu mốc quan trọng” khi Việt Nam nắm chức chủ tịch luân phiên ASEAN và kỷ niệm 25 năm ngày gia nhập hiệp hội này.

Trung Quốc coi Việt Nam là thách thức lớn nhất chống lại các yêu sách hàng hải của họ trên tuyến đường thủy bận rộn có lượng giao thương hàng năm trị giá khoảng 3.000 tỷ USD. Khu vực này cũng là nơi có trữ lượng dầu khí dồi dào và là ngư trường truyền thống của các quốc gia xung quanh.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong phạm vi cái gọi là “Đường 9 đoạn” do chính họ vạch ra ở Biển Đông, dẫn tới những xung đột với các thành viên của ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Philippines – các nước cũng có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển của khu vực. Bắc Kinh đang đàm phán một bộ quy tắc ứng xử với các quốc gia trong khu vực.

Nhưng các đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc trong khối, chẳng hạn như Campuchia, thường xuyên phản đối những lời nói hoặc hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói không phải là các nước ASEAN khác ủng hộ hành động của Trung Quốc, mà họ không phản đối theo cách tương tự.

VOA Express

XS
SM
MD
LG