Đường dẫn truy cập

21 người được điều trị trong vụ hạ độc cựu điệp viên Nga


Cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal
Cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal

Một quan chức cảnh sát Anh ngày 8/3 cho biết số người cần được điều trị và hỗ trợ y tế sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh nhắm vào một cựu điệp viên Nga lên tới 21 người.

Hiện chỉ còn 3 người vẫn còn nằm bệnh viện sau vụ hạ độc hôm Chủ nhật ở thành phố Salisbury, Anh quốc, bao gồm cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal, con gái ông ta, và một cảnh sát ứng cứu hai cha con ông Skripal.

Giới chức y tế thông báo không có rủi ro cao đối với công chúng.

Nhà chức trách chưa thông báo kẻ chủ mưu, nhưng giới chức Anh đã cảnh cáo sẽ đáp trả mạnh tay nếu kết quả điều tra cho thấy chính phủ Nga đứng sau vụ này.

Quyền cảnh sát trưởng Wiltshire cho biết khoảng 21 người được chữa trị, kể cả hai cha con ông Skripal. Con số giới hữu trách đưa ra trước đó chỉ là một vài người.

Cảnh sát chưa cung cấp chi tiết về chất độc thần kinh đã được dùng trong vụ này và hai nạn nhân chính vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Bộ trưởng Nội vụ Anh, Amber Rudd, cho biết Anh đang sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau để xác định ai đã hạ độc ông Skripal, 66 tuổi, và cô con gái 33 tuổi Yulia.

Một nhân chứng đã phát hiện ra ông Skripal và con gái ông cho biết cô gái bị bất tỉnh, miệng sùi bọt mép, mắt trợn trắng. Nhân chứng này mô tả: “Người đàn ông thì cứng đờ, cánh tay ngừng cử động, giống như bị chết đứng”.

Ông Skripal, người phục vụ trong cơ quan tình báo quân đội Nga, GRU, đã được trao lại cho Anh trong cuộc trao đổi điệp viên theo kiểu chiến tranh lạnh vào năm 2010 ở phi trường Vienna. Sau khi bị giam 4 năm tại Nga vì tội làm gián điệp cho cơ quan tình báo Anh, MI6, ông là một trong 4 điệp viên nhị trùng người Nga được đổi lấy 10 điệp viên của Nga bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ, trong đó có con gái của nhà ngoại giao có tiếng của Manhattan, Anna Chapman.

Năm 2006, một luật mới của Nga được thông qua chính thức cho phép giết, mà không qua xét xử, những người ở nước ngoài mà chính quyền Nga coi là cực đoan hoặc khủng bố, cho phép Tổng thống Nga ra lệnh giết người.

Ông Skripal làm tình báo cho Anh trong những năm 1990 và vẫn tiếp tục liên lạc với MI6 sau khi nghỉ hưu ở GRU vào năm 1999 và làm việc tại Bộ Ngoại giao ở Moscow.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG