Đường dẫn truy cập

Hàn Quốc bỏ lệnh cấm tuyển dụng người từ Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh


Mỗi năm có hàng chục ngàn người Việt Nam đi lao động ở Hàn Quốc. Photo Cổng thông tin Chính phủ.
Mỗi năm có hàng chục ngàn người Việt Nam đi lao động ở Hàn Quốc. Photo Cổng thông tin Chính phủ.

Mọi công dân Việt Nam giờ đây đều có thể tham gia cuộc thi đầu tiên của năm 2024 để tuyển chọn người đi lao động ở Hàn Quốc, báo chí Việt Nam đưa tin hôm 8 và 9/1, dẫn lại thông báo mới đây của một trung tâm thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH).

Đây là một thay đổi vì trong những năm trước, người ở 4 tỉnh Việt Nam bị Hàn Quốc liệt vào diện “tạm dừng tuyển chọn”.

Trung tâm Lao động Ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH, được Báo Chính Phủ, Công An Nhân Dân và một số báo khác trích lời nói rằng việc tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc đợt 1 năm 2024 diễn ra trên phạm vi toàn Việt Nam và “không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn” tại một số địa phương như những năm trước đây, “trừ một số ngành đặc thù như nông nghiệp, ngư nghiệp”.

Kỳ thi tuyển người đi làm ở Hàn Quốc đợt đầu tiên của năm nay dự kiến lấy 15.400 người trúng tuyển, làm việc trong 5 ngành nghề, theo trung tâm.

Vẫn trung tâm cho biết thêm rằng các địa phương từng bị “tạm dừng tuyển chọn” trong các năm trước giờ đây tiếp tục được thi tuyển, đó là thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương, hai huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa ở tỉnh Thanh Hóa, thị xã Cửa Lò và hai huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên trong tỉnh Nghệ An, và hai huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên của tỉnh Hà Tĩnh.

Báo chí Việt Nam tường thuật nhiều lần trong các năm trước đây rằng người thuộc các địa phương nêu trên có “tỷ lệ bỏ trốn cao” khi họ sang làm việc ở Hàn Quốc. Các cơ quan nhà nước Việt Nam đã họp bàn trong các dịp khác nhau và nhắm đến áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng đó, theo các báo đưa tin.

Gần đây nhất, theo một tường thuật của báo Pháp Luật Việt Nam hồi tháng 12/2023, các quan chức của Bộ LĐ-TB-XH lưu ý đến một số giải pháp nổi bật trong một cuộc thảo luận.

Cục trưởng Cục Việc làm của bộ, ông Vũ Trọng Bình, nói cần có thêm chính sách tạo việc làm cho người lao động khi trở về nước, giúp họ yên tâm về nước đúng hạn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng của nước ngoài cần phối hợp nghiên cứu, nâng thời gian lao động làm việc ở nước ngoài lên mức 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay, ông Bình nói, được Pháp Luật Việt Nam dẫn lại.

Theo nhận định của ông Bình, khi người lao động có thêm thời gian làm việc, tích lũy, họ gạt đi tâm lý bỏ hợp đồng, làm việc bất hợp pháp ở nước sở tại để kiếm thêm thu nhập.

Chỉ ra nguyên nhân sâu xa của việc “bỏ trốn” là “trình độ nhận thức, tác phong lao động yếu kém của một số cá nhân...”, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước trong cùng bộ, cho hay rằng để hạn chế lao động bỏ trốn, đặc biệt với thị trường có tỷ lệ bỏ trốn cao như Hàn Quốc, đã có nhiều quy định ràng buộc.

Cụ thể là, theo ông Liêm, người lao động phải ký quỹ 100 triệu đồng để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn; lao động bỏ trốn hoặc ở lại làm việc trái phép sẽ bị phạt 80-100 triệu đồng. Ngoài ra, ông Liêm còn được Pháp Luật Việt Nam trích lời cho biết rằng lao động vi phạm cũng bị cấm đi làm việc ở nước ngoài 2-5 năm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan nói trong cuộc thảo luận rằng để khắc phục triệt để tình trạng lao động ở nước ngoài bỏ trốn, giải pháp dứt điểm là khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài, để người lao động yên tâm trở về tham gia thị trường lao động trong nước, theo tường thuật của Pháp Luật Việt Nam.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG