Hơn ba chục nhóm nhân quyền hôm 18/10 kêu gọi thủ tướng Thái Lan trả tự do cho nhà hoạt động người Việt Nam Y Quynh Bdap, người đã bị ra lệnh dẫn độ về nước để đối mặt với án tù vì tội khủng bố, và nói rằng ông có khả năng bị tra tấn nếu bị trả về.
Ông Y Quynh, người có quy chế tị nạn của Liên hợp quốc tại Thái Lan, đã bị chính quyền Thái Lan bắt giữ theo lệnh của Việt Nam vào tháng 6 khi ông đang tìm cách xin tị nạn tại Canada. Ông đang bị giam giữ tại Bangkok trong khi chờ dẫn độ.
Trong bức thư gửi cho Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, cũng như các quan chức Thái Lan khác và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, Tổ chức Ân xá Quốc tế và 32 nhóm nhân quyền khác cho rằng ông Y Quynh "phải đối mặt với nguy cơ thực sự bị tra tấn, giam giữ tùy tiện kéo dài hoặc các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác" nếu ông bị trả về Việt Nam.
Các nhóm này còn bao gồm các tổ chức cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ của Việt Nam ở hại ngoại như BPSOS và Việt Tân.
Người phát ngôn của Thủ tướng Paetongtarn, Jirayu Houngsub cho AP biết văn phòng thủ tướng vẫn chưa nhận được bức thư và ông không có bình luận gì ngay lập tức.
Ông Y Quynh là người đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ). Ông đã trốn sang Thái Lan vào năm 2018 để thoát khỏi sự đàn áp ở Việt Nam, nơi từ lâu đã bị chỉ trích vì cách đối xử với nhóm thiểu số người Thượng theo đạo Thiên chúa của đất nước này.
Nhóm của ông đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và các quyền khác của người Thượng, đào tạo họ về luật pháp quốc tế và Việt Nam và cách thu thập thông tin để báo cáo về các vụ lạm dụng, mà các tổ chức phi chính phủ cho biết đã khiến ông trở thành mục tiêu của chính phủ Việt Nam.
Nhà hoạt động 32 tuổi này đã bị kết án vắng mặt tại Việt Nam vào tháng 1 về tội khủng bố và bị tuyên 10 năm tù vì cáo buộc tham gia tổ chức các cuộc bạo loạn chống chính phủ ở tỉnh Đắk Lắk, vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam vào năm ngoái.
Một tòa án ở Bangkok vào tháng 9 đã ra lệnh dẫn độ ông Y Quynh về Việt Nam. Việc kháng cáo phán quyết đó của ông vẫn đang chờ xử lý.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, trả lời các phóng viên tại Hà Nội hôm 17/10 nói rằng việc dẫn độ ông Y Quynh là "phù hợp" "để đảm bảo rằng tất cả tội phạm sẽ bị pháp luật trừng phạt".
“Việt Nam sẽ làm phối hợp với các cơ quan chức năng Thái Lan để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật hai nước”, bà Hằng cho biết.
Ông Y Quynh đã trốn ở Thái Lan sau khi được cảnh báo rằng chính quyền Việt Nam đang điều tra về ông vào đầu năm nay. Nhà hoạt động này đã công bố một đoạn video ngay trước khi ông bị bắt giữ, trong đó nói rằng ông “hoàn toàn không liên quan gì đến vụ bạo loạn đó”.
“Tôi là một nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo và bảo vệ quyền của người dân”, ông nói. “Các hoạt động của tôi là ôn hòa, chỉ bao gồm việc thu thập và viết báo cáo về các hành vi vi phạm nhân quyền tại Việt Nam”.
Trong phiên tòa xét xử vào tháng 1 tại Việt Nam, khoảng 100 người khác cũng bị xét xử vì cáo buộc tham gia vào các cuộc bạo loạn tại hai trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, trong đó có 9 người thiệt mạng, bao gồm bốn cảnh sát và hai quan chức chính phủ. Năm mươi ba người đã bị kết án về tội “khủng bố chống lại chính quyền nhân dân”, theo truyền thông trong nước.
Vài ngày sau phán quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã bác bỏ những lời chỉ trích rằng Việt Nam đã lợi dụng phiên tòa như một cơ hội để đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số, và nói rằng chính phủ cần phải "xử lý nghiêm hành động khủng bố theo luật pháp quốc tế".
"Tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng", bà Hằng nói.
Trong bức thư chung, các tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh rằng các chuyên gia về nhân quyền của Liên hợp quốc đã bày tỏ lo ngại rằng phiên tòa có thể có động cơ chính trị. Bức thư chỉ ra rằng ông Y Quynh đã ở Thái Lan khi vụ bạo động mà ông bị cáo buộc dính lứu ở Việt Nam xảy ra. Các tổ chức cũng cho rằng phiên tòa không đáp ứng được các đảm bảo về việc xét xử công bằng.
Họ cũng lưu ý rằng Thái Lan vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với nhiệm kỳ ba năm bắt đầu từ ngày 1/1.
"Được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đi kèm với trách nhiệm nghiêm túc trong việc thực hiện các chính sách và hành động tôn trọng nhân quyền", Prakaidao Phurksakasemsuk của Quỹ Văn hóa Giao thoa, một trong những nhóm đã gửi bức thư, cho biết.
“Những gì xảy ra với Y Quynh Bdap là một trường hợp thử nghiệm cho cam kết của Thái Lan, và thủ tướng nên làm điều đúng đắn và ra lệnh cho phép ông ấy được tái định cư an toàn cùng gia đình đến một quốc gia thứ ba, nơi ông ấy có thể nhận được sự bảo vệ.”
Phil Robertson, giám đốc của nhóm Vận động cho Nhân quyền và Lao động châu Á, cũng là người cũng đã ký vào bức thư. Ông Robertson cho biết ông Y Quynh nên được tại ngoại trong khi chờ kháng cáo để được đoàn tụ với vợ và ba đứa con nhỏ của ông.
“Hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để giam giữ một người cha đang tị nạn, xa cách con cái của ông, và khiến ông phải chịu đau khổ liên tục chỉ vì những lời buộc tội giả mạo và những tuyên bố có động cơ chính trị do chính quyền độc tài Việt Nam gây ra,” ông Robertson nói.
Hôm 16/10, các chuyên gia LHQ cũng lên tiếng cảnh báo rằng phán quyết của Tòa án Hình sự Bangkok khiến ông Y Quynh gặp nguy hiểm nếu bị dẫn độ về Việt Nam và kêu gọi nhà chức trách Thái Lan xem xét lại vụ án.
Diễn đàn