Khi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ bước vào giai đoạn cuối, ngày càng nhiều cử tri bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên mà họ yêu thích bằng cách mang trên người quần áo hay mũ nón với thông điệp về bầu cử.
Điều mà họ có thể không nhận ra là chiếc mũ Trump "Make America Great Again" (Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) hay chiếc áo phông "Childless Cat Lady for Harris" (Quý bà yêu mèo không con vì Harris) mà họ đang mặc có thể được sản xuất tại Trung Quốc.
Với sự trợ giúp của các nền tảng thương mại điện tử, các thương nhân Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường hàng hóa về bầu cử của Hoa Kỳ bằng đồ giá rẻ, và bằng chứng giai thoại cho thấy các nhà sản xuất của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này đang phải vật lộn để cạnh tranh.
"Tôi nghĩ rằng số lượng hàng hóa trên Amazon và Etsy đến từ Trung Quốc và các quốc gia khác, qua tàu chở hàng rồi được nhập cảng Hoa Kỳ, đang tác động mạnh mẽ đến khả năng cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp của các nhà sản xuất Mỹ, giống như chính tôi. Tôi nghĩ là rất lớn", Ben Waxman, người sáng lập và đồng sở hữu của American Roots, một công ty may mặc của Hoa Kỳ, cho biết.
Ông Waxman không chia sẻ số liệu sản xuất hoặc lợi nhuận với VOA Tiếng Trung vì lo ngại về quyền riêng tư, nhưng ông cho biết áo phông cho chiến dịch bầu cử được sản xuất ở Mỹ của ông, chẳng hạn, được bán với giá khoảng 15 USD mỗi chiếc, trong khi những chiếc áo phông của nhà bán lẻ trực tuyến Temu của Trung Quốc có thể được bán với giá thấp tới 3 USD.
"Giá sẽ đắt hơn khi bạn phải trả lương công nhân cao hơn, mức sinh hoạt tối thiểu cao hơn và phải tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường", ông Waxman nói, ám chỉ đến những lời chỉ trích lâu nay về hoạt động sản xuất của Trung Quốc.
Công ty có công đoàn của ông Waxman đã sản xuất hàng hóa phục vụ chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên tổng thống kể từ năm 2016, chủ yếu là áo phông và áo nỉ, với tất cả nguyên liệu thô và sản xuất có nguồn gốc từ Hoa Kỳ.
VOA Tiếng Trung không thể có được số liệu tổng hàng hóa bầu cử sản xuất tại Hoa Kỳ được bán ra so với hàng hóa loại này sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng số lượng lớn các sản phẩm bầu cử do Trung Quốc sản xuất được bán trên các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm Amazon và eBay, cho thấy chúng đang tràn ngập thị trường.
Chỉ riêng trên Temu, hàng chục nghìn mặt hàng theo chủ đề bầu cử đã được bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá của các phiên bản chính thức của chiến dịch.
Trong số đó, một chiếc mũ "Make America Great Again" có giá chưa đến 4 USD, trong khi trang web bán hàng chính thức của chiến dịch Trump, vốn luôn kiêu hãnh rằng "Tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ", bán chúng với giá gấp 10 lần giá đó, ở mức 40 USD mỗi chiếc.
Tương tự như vậy, mũ “Kamala Harris 2024” của Temu có thể bán với giá dưới 3 USD mỗi chiếc, trong khi trang web bán hàng chính thức của chiến dịch Kamala Harris bán mũ “Kamala” với giá 47 USD mỗi chiếc.
Chiến dịch Harris cũng tuyên bố chỉ bán các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ trên các trang web chính thức của mình.
VOA đã yêu cầu cả hai chiến dịch bình luận nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm đăng bản tin này.
Sự tương phản rõ rệt về giá cả làm nổi bật những thách thức mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong việc giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc và lấp lỗ hổng thương mại “de minimis”, vốn cho phép các công ty Trung Quốc vận chuyển hàng hóa có giá trị dưới 800 USD đến Hoa Kỳ mà không phải trả thuế nhập khẩu.
Kim Glas, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hội đồng các tổ chức dệt may quốc gia Hoa Kỳ (NCTO), một tổ chức liên kết với công đoàn lao động, cho biết việc lạm dụng lỗ hổng “de minimis” đang tràn lan, đồng thời nói thêm rằng nhóm của bà "đã thua lỗ 21 hoạt động sản xuất trong 18 tháng qua".
Bà Glas cho biết một số nhà sản xuất thành viên của NCTO nhận thấy doanh số bán các sản phẩm phục vụ chiến dịch tranh cử năm nay chậm hơn so với bất kỳ chu kỳ bầu cử nào trước đây của Hoa Kỳ.
VOA Tiếng Trung đã liên hệ với Amazon và eBay để xin bình luận về khối lượng hàng hóa phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ được nhập khẩu từ Trung Quốc trên trang web của họ và các quy định của họ đối với các nhà cung cấp Trung Quốc, nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm bản tin được đăng tải.
Temu không bình luận về doanh số bán sản phẩm phục vụ chiến dịch tranh cử tại Hoa Kỳ, nhưng người phát ngôn của công ty đã trả lời trong email gửi cho VOA Tiếng Trung rằng, "Sự tăng trưởng của Temu không phụ thuộc vào chính sách de minimis. Động lực chính thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng và sự chấp nhận của thị trường của chúng tôi là hiệu quả của chuỗi cung ứng và năng lực hoạt động mà chúng tôi đã vun đắp trong nhiều năm qua".
Người phát ngôn nói thêm rằng: "Chúng tôi cởi mở và ủng hộ mọi điều chỉnh chính sách do các nhà lập pháp đưa ra miễn sao phù hợp với lợi ích của người tiêu dùng".
Đại diện ngành dệt may Hoa Kỳ lưu ý sự trớ trêu của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ khi họ đưa ra các tuyên bố cứng rắn về thương mại với Trung Quốc trong khi những người ủng hộ họ lại mua các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với các ứng viên.
“Nếu ai đó ủng hộ một ứng cử viên vì chính sách kinh tế của ứng cử viên đó và lập trường của họ đối với việc cải thiện nền kinh tế và môi trường của chúng ta và cải thiện điều kiện lao động của chúng ta bằng cách tăng lượng sản xuất trong nước, và sau đó ủng hộ ứng cử viên bằng cách mua một sản phẩm được sản xuất tại một quốc gia có lập trường ngược lại, thì thực tế là họ đang tự làm hại cho cả ứng cử viên và nền kinh tế”, Mitch Cahn, chủ tịch của Unionwear, một công ty may mặc có trụ sở tại New York hiện đã cung cấp hơn 300.000 mũ bóng chày cho chiến dịch của bà Harris, nói.
Ông Cahn lưu ý rằng bất kỳ ai cũng có thể sản xuất các sản phẩm về chiến dịch tranh cử vì các chiến dịch này không kiểm soát sở quyền hữu trí tuệ của họ. Họ nghĩ rằng "việc một người đội mũ có tên chiến dịch tranh cử trên đầu có giá trị hơn đối với việc họ kiếm được tiền từ việc bán hàng hóa".
“Khi bất kỳ ai cũng có thể sản xuất và bán sản phẩm, thì sẽ có rất nhiều sản phẩm cuối cùng được sản xuất tại Trung Quốc vì không có nhiều nhà sản xuất trong lĩnh vực này”, ông Cahn nói với VOA Tiếng Trung.
Hãng tin AP đưa tin ngày 18/10 rằng hàng nghìn cuốn Kinh thánh "God Bless America" của Donald Trump thực chất được in tại Trung Quốc. AP cũng lưu ý rằng hầu hết các cuốn Kinh thánh, không chỉ riêng cuốn do ông Trump bán, đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Tiết lộ này, theo những người chỉ trích, có thể gây tổn hại đến việc ông Trump quảng bá cho các sản phẩm Made in the USA.
“Trong những năm [bầu cử] trước, đây hẳn là một vụ bê bối”, Marc Zdanow, cố vấn chính trị và là giám đốc điều hành của Engage Voters US cho biết. “Nhưng tôi nghĩ những người bỏ phiếu cho ông Trump không quan tâm. ... Theo tôi, câu hỏi đặt ra là liệu điều này có trở thành mối quan tâm hàng đầu đối với những cử tri vẫn đang dao động hay không. Vấn đề này chắc chắn có thể đủ sức để đẩy nhóm này ra xa Trump”.
Chris Tang, giáo sư quản trị kinh doanh và quản lý toàn cầu tại Trường Quản lý Anderson của UCLA, nói với VOA Tiếng Trung rằng tác động của hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đối với nền kinh tế Hoa Kỳ không chỉ đơn thuần là mất việc làm trong ngành sản xuất. Người tiêu dùng cũng mua được những sản phẩm này với giá thấp.
“Mặc dù có tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất, nhưng nó tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ nhập khẩu số lượng nhỏ một cách nhanh chóng bằng cách sử dụng [các nhà bán hàng trực tuyến của Trung Quốc như] Alibaba để tìm nhà cung cấp các hàng hóa về bầu cử một cách nhanh chóng và bán chúng trực tuyến một cách nhanh chóng”.
Theo ông Tang, Hoa Kỳ nên phát triển một ngành sản xuất tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao, không phải là những sản phẩm giá rẻ như hàng hóa cho bầu cử Mỹ.
Diễn đàn