Đường dẫn truy cập

Hầu hết va chạm ở Biển Đông có Trung Quốc tham gia


Nhà nghiên cứu Bonnie Glaser.
Nhà nghiên cứu Bonnie Glaser.

Lực lượng tuần duyên Trung Quốc dính líu tới hầu hết các vụ đụng độ trên Biển Đông, theo một nghiên cứu mới công bố ngày 7/9 khảo sát các sự cố thực thi luật pháp hàng hải xuyên khắp hải lộ thương mại quan trọng này.

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS, tác giả cuộc khảo sát, kết luận rằng hành động xác quyết chủ quyền ngày càng gia tăng của các tàu tuần duyên Trung Quốc ở Biển Đông đề ra nguy cơ gây bất ổn khu vực.

Nhà nghiên cứu Bonnie Glaser cảnh báo không nên xem nhẹ mối nguy hiểm từ các sự cố liên quan đến lực lượng tuần duyên.

Cuộc khảo sát đăng tải trên trang ChinaPower của CSIS ghi chú dữ liệu cụ thể khoảng 45 vụ va chạm và đụng độ ở Biển Đông kể từ năm 2010 cho thấy lực lượng tuần duyên Trung Quốc tham gia 30 trường hợp trong số này, nghĩa là chiếm 2/3. Bốn sự cố khác có liên quan đến một tàu hải quân Trung Quốc.

Reuters dẫn phát biểu của nhà nghiên cứu Glaser cho biết: “Bằng chứng rõ ràng cho thấy thói quen hành xử của Trung Quốc trái hẳn với những gì mà lực lượng chấp pháp thường liên can.”

Bà Glaser nói thêm rằng: “Chúng ta thấy có các hành vi hiếp đáp, sách nhiễu, đâm tàu của các nước có lực lượng tuần duyên cũng như đội tàu cá nhỏ hơn, thường là để khẳng định chủ quyền trên khắp Biển Đông.”

Cuộc nghiên cứu có bao gồm cả sự cố căng thẳng giữa Bắc Kinh với Hà Nội liên quan đến việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ngoài khơi bờ biển Việt Nam hồi năm 2014 cùng những vụ căng thẳng dẫn tới việc Bắc Kinh chiếm đóng bãi cạn Scarborough ngoài khơi Philippines vào năm 2012.

Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc, cơ quan trông coi hoạt động tuần duyên chưa có bình luận tức thì về cuộc nghiên cứu của CSIS.

Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, Trung Quốc hiện triển khai khoảng 250 tàu, trong đó có 95 chiếc trên 1 ngàn tấn, một đội tàu lớn hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực kể cả Nhật Bản.

XS
SM
MD
LG