Đường dẫn truy cập

HÐBA sẽ bỏ phiếu để tăng lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan


Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ một đề xuất triển khai 5,500 binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan để bảo vệ thường dân.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ một đề xuất triển khai 5,500 binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan để bảo vệ thường dân.
Hoa Kỳ cho biết tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ một đề xuất triển khai 5,500 binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan để bảo vệ thường dân khỏi tình trạng bạo lực đang ngày càng xấu đi.

Hội đồng Bảo an chiều nay sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết chuyển các binh sĩ từ các phái bộ khác của Liên Hiệp Quốc ở châu Phi theo như đề xuất của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power nói cuối ngày hôm qua rằng Nam Sudan đang ‘lâm nguy’ và rằng lãnh đạo nước này có lựa chọn hoặc tham gia tiến trình đối thoại hoặc xâu xé nước này.

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir nói hôm qua trong một cuộc gặp với đặc sứ của Mỹ về Nam Sudan Donald Booth rằng ông sẵn sàng tiến hành đàm phán với cựu phó tổng thống Riek Machar mà không đề ra các điều kiện tiên quyết nào.

Ngoại trưởng Nam Sudan Barnaba Marial Benjamin nói với đài VOA rằng ông Kiir nhấn mạnh trong một bài phát biểu trước quốc hội rằng ông sẽ không bao giờ đẩy Nam Sudan vào chiến tranh và rằng các cuộc đàm phán là cách thức để chấm dứt bạo lực.

Ngoại trưởng Nam Sudan nói: “Được bầu lên một cách dân chủ, Tổng thống Salva Kiir chịu trách nhiệm cho mạng sống của người dân Nam Sudan, kể cả người nước ngoài ở nước này, cho nên ông hoàn toàn có quyền và nhiệm vụ hợp hiến để bảo đảm đạt được hòa bình. Và tôi hy vọng rằng ông Riek Machar cũng có thể thấy được điều tương tự rằng người dân đất nước này đã phải chịu đựng rất nhiều và không thể mất mạng vì sự tranh giành quyền lực”.

Ông Kiir, một người thiểu số Dinka, đã đổ lỗi cho ông Machar, một người thiểu số Nuer, vì điều ông nói là một âm mưu đảo chính đã gây ra tình trạng bạo lực hôm 16/12. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh.

Ông Machar nói với hãng tin Reuters hôm qua rằng ông sẽ ngay lập tức tham gia vào cuộc đối thoại nếu ông Kiir thả các nhà lãnh đạo đối lập còn bị câu lưu.

Liên Hiệp Quốc nói rằng bạo lực đã buộc 100 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và rằng 45 nghìn người đã phải lánh nạn tại các lán trại tạm ở các căn cứ Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan.

Nhà báo Hannah McNeish, hiện ở thủ đô Juba, nói với đài VOA rằng rõ ràng là có yếu tố sắc tộc trong cuộc xung đột khi các thành viên của các nhóm sắc tộc Nuer và Dinka nhắm mục tiêu vào nhau.

“Có những kẻ đi lùng sục từ nhà này qua nhà khác, truy tìm người dựa vào sắc tộc của họ. Chúng đưa họ ra khỏi nhà, trói tay và xử tử họ vì họ không có cùng sắc tộc với chúng. Mọi chuyện hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG