Đường dẫn truy cập

Hiệp định hòa bình Cartegena kết thúc cuộc chiến lâu nhất châu Mỹ


Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, trái, bắt tay thủ lãnh tối cao của Các lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londono sau khi ký thỏa thuận hòa bình ở Cartagena, Colombia, 26/9/2016.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, trái, bắt tay thủ lãnh tối cao của Các lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londono sau khi ký thỏa thuận hòa bình ở Cartagena, Colombia, 26/9/2016.

Một hiệp định hòa bình chung cuộc giữa chính phủ Colombia và lực lượng du kích toàn quốc đã được ký kết hôm thứ Hai. Hiệp định này đã chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài nhất ở Tây bán cầu.

Trong bài phát biểu sau lễ ký kết hiệp định hòa bình với Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, thủ lãnh tối cao của Các lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londono, được biết đến nhiều hơn dưới bí danh Timochenko, nói: “Không ai từ bỏ ý thức hệ của họ”.

Nhà lãnh đạo quân nổi dậy xin tha thứ cho tất cả những thiệt hại mà phong trào của ông đã gây ra trong nhiều thập niên.

Ngân sách của FARC chủ yếu đến từ các hoạt động mua bán cocaine bất hợp pháp ở nước này, và phong trào vũ trang của tổ chức là phong trào cuối cùng bị ảnh hưởng của ý thức hệ cộng sản Cuba và Liên Xô chống lại các thể chế dân chủ ở châu Mỹ.

Sau phát biểu của ông Timochenko, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nói trong bài phát biểu: “Sẽ không còn chiến tranh nữa”. Ông nói thêm rằng: “Tôi chào mừng các bạn đến với dân chủ, thay vũ khí bằng lá phiếu và thay vũ khí bằng các ý tưởng”.

Xung đột từ giữa thập niên 1960 đến nay đã khiến hàng triệu người phải thất tán và hơn 250.000 người thiệt mạng.

Trang bìa của tờ El Tiempo hôm thứ Hai đặt tựa chính xác hơn là “La paz luego de 267.162 Muertos (nghĩa là “Hòa bình sau cái chết của 267.162 người”).

Phát biểu với báo chí sau khi ký thỏa thuận, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói ông thường không đi công du trong những ngày khai mạc kỳ họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, đang diễn ra tại New York, nhưng ông muốn củng cố cam kết cá nhân trong tiến trình hòa bình tại Colombia.

Ông nói: “Tôi hoan nghênh các bên vì đã tuân thủ lệnh ngừng bắn, và lần đầu tiên đã trả tự do cho một nhóm trẻ vị thành niên khỏi tay FARC-EP”.

Ông Ban nói thêm: “Cả hai bên cũng đã thừa nhận trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền trong xung đột kéo dài nhiều thập niên. Một sự thừa nhận quan trọng có thể giúp cho tiến trình hàn gắn vết thương”.

Ông Ban cho biết Liên Hiệp Quốc đã phái 200 quan sát viên không vũ trang đến Colombia làm việc với các nạn nhân. Tổ chức này “sẽ tiếp tục cảnh giác” về những động thái sắp tới với thỏa thuận ngừng bắn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG