Đường dẫn truy cập

Hiệp hội đồ nội thất Mỹ lo ngại tác động nếu áp thuế hàng nhập từ Việt Nam


Một thợ tiện làm việc tại một xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất ở Hà Nội. Việt Nam là thị trường nhập khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất của Mỹ trong năm 2019 và đã bị USTR điều tra về nguồn gốc gỗ sử dụng được cho là phi pháp.
Một thợ tiện làm việc tại một xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất ở Hà Nội. Việt Nam là thị trường nhập khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất của Mỹ trong năm 2019 và đã bị USTR điều tra về nguồn gốc gỗ sử dụng được cho là phi pháp.

Hiệp hội Đồ nội thất của Hoa Kỳ vừa lên tiếng lo ngại về tác động của thuế suất tiềm năng áp lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam nếu Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) kết luận rằng sản phẩm gỗ mà Việt Nam sử dụng là từ nguồn cung bất hợp pháp.

USTR hồi đầu tháng 10 năm ngoái khởi xướng hai cuộc điều tra cùng lúc “theo chỉ đạo của Tổng thống Donald J. Trump” về việc nhập khẩu, sử dụng gỗ và chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Chính quyền của Tổng thống Trump hôm 15/1 công bố kết luận của cuộc điều tra việc định giá tiền tệ của Việt Nam và cho rằng hành vi này “không thoả đáng” nhưng không đưa ra ngay hành động áp thuế tức thời. Trong khi đó, kết quả cuộc điều tra về khả năng Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp trong các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ chưa được công bố dù đã hoàn tất vào đầu tháng 1 vừa qua.

Một câu hỏi lớn vẫn được đặt ra, theo Hiệp hội đồ Nội thất của Hoa Kỳ (HFA) nêu ra hôm 8/2, là liệu sẽ có những tác động nào đối với cộng đồng, nền kinh tế, chính phủ và người tiêu dùng nếu cuộc điều tra của USTR chứng minh rằng gỗ bất hợp pháp đã được khai thác để dùng trong các sản phẩm của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ.

Hiệp hội này cho biết rằng các mặt hàng đồ gỗ nội thất là một trong những sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ. Do đó, theo HFA, khi Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu từ Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại do chính quyền Tổng thống Trump khởi xướng từ năm 2018, các nhà sản xuất đã ứng phó bằng cách chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh tác động của các loại thuế.

Vào năm 2019, Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu các mặt hàng từ gỗ lớn nhất vào Mỹ, với việc Hoa Kỳ nhập hơn 3,7 tỷ USD đồ gỗ nội thất từ quốc gia Đông Nam Á, theo HFA.

Cuộc điều tra của USTR theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ cho phép nhà chức trách áp các lệnh trừng phạt về thương mại vi phạm các hiệp định thương mại của Mỹ và tạo gánh nặng cho thương mại Hoa Kỳ. USTR cho rằng việc sử dụng gỗ bất hợp pháp trong các sản phẩm xuất sang thị trường Mỹ là “gây hại cho môi trường và không công bằng đối với nhân công và doanh nghiệp Hoa Kỳ” vốn buộc phải tuân thủ quy định chỉ được dùng gỗ từ nguồn khai thác hợp pháp.

Trước cuộc điều tra của USTR, Việt Nam hồi đầu tháng 1 đã quyết định siết chặt các quy định trong nhập khẩu gỗ và mua thêm gỗ xẻ của Mỹ để tránh bị áp thuế trừng phạt có thể tàn phá ngành gỗ Việt Nam, theo Bloomberg.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội Đồ nội thất Mỹ, Mark Schumacher, nói tại phiên điều trần công khai qua mạng được USTR tiến hành hôm 28/12 với 19 lãnh đạo trong ngành từ cả Mỹ và Việt Nam, rằng “chúng tôi không tin vào nguồn cung cấp gỗ bất hợp pháp. Nhưng cho đến khi các vi phạm được xác nhận và có bằng chứng cho thấy gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp trong các sản phẩm xuất vào Mỹ, chúng ta hãy tạm dừng tất cả các hành động trừng phạt về thuế quan có khả năng tác động đến nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng.”

Bộ Công thương Việt Nam hồi đầu tháng 1 bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc điều tra của USTR nhắm vào Việt Nam và cho rằng chúng có thể gây ra “nhiều tác động không mong muốn, tổn hại đến quan hệ song phương.”

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dưới thời chính quyền Trump hồi tháng 1 khẳng định rằng các thông tin về kế hoạch áp thuế của USTR đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là “hoàn toàn không chính xác,” và “đó không phải là cách làm việc của USTR.”

Đại diện Thương mại mới của Mỹ, Katherine Tai – người được Tổng thống Joe Biden lựa chọn lãnh đạo USTR, sẽ là người quyết định về cách tiếp cận đối với Việt Nam trong các tranh chấp thương mại với Mỹ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG