Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp y học: Bệnh tê lưỡi


Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Thính giả Mai Lê hỏi như sau:

“Kính gởi Bác sĩ,

Xin hỏi về bệnh tê ở lưỡi.

Chúng tôi hiện nay đang ở tiểu bang Florida. Vợ tôi, 55 tuổi, ăn chay trường đã 7 năm nay.

Hiện bên trong lưỡi của vợ tôi bị tê một chỗ nhỏ bên trái gần các răng hàm, rất khó chịu đã mấy tháng nay, phần lớn vào ban đêm. Mặc dù đã đi khám nhiều bác sĩ khác nhau chuyên khoa về tai, mũi họng nhiều lần, nhưng vẫn chỉ thuyên giảm rất ít, vẫn còn đau.

Bác sĩ Mỹ đã cho làm MRI óc, PET SCAN nhưng không khám phá thấy dấu hiệu bị ung thư lưỡi. Trong thời gian điều trị Bác sĩ đã cho uống các thứ thuốc như PREDNISONE theo liều lượng giảm từng ngày trong gần một tháng và FLUCONAZOLE 200mg cũng như vài thứ thuốc súc miệng SYSTATIN 100,000 Units và STANNOUS FLUORIDE 0.63% Concentrate Oral Rinse, các thứ thuốc trên thấy không giúp gì mấy cho bệnh của vợ tôi. Bác sĩ hiện đang điều trị cho tôi hình như cũng chưa định được rõ bệnh của vợ tôi nên hẹn vợ tôi tái khám sau một tháng, cũng không cho thêm loại thuốc nào nữa; ngoài ra vợ tôi bị bệnh mất ngủ kể từ khi bị bệnh, trước đây không có, Bác sĩ nói vợ tôi nên mua thuốc trên quầy về uống (MELATONIN), tôi đã mua và dùng nhưng cũng không có kết quả.

Xin Bác sĩ cho một lời khuyên tôi phải làm những gì cho bệnh của vợ tôi và như vậy tên bệnh đó gọi là bệnh gì?

Xin cám ơn Bác sĩ rất nhiều.”
please wait

No media source currently available

0:00 0:19:56 0:00
Tải xuống

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Hội Chứng Rát Miệng (Burning Mouth Syndrome, BMS), hay Bệnh đau lưỡi (glossodynia).

Tôi xin bàn về trường hợp một phụ nữ quá tuổi trung niên với triệu chứng đau ở lưỡi mà không tìm được nguyên nhân.

Có nhiều bệnh có thể gây đau lưỡi, những nguyên nhân dễ phát hiện nhất như loét lưỡi, bệnh nấm ở lưỡi, ung thư ở lưỡi có lẽ đã được nhiều bác sĩ chuyên khoa nghĩ tới và chữa trị tuy không có kết quả. Ví dụ: bệnh nhân ở đây đã được chữa bằng thuốc chống nấm (fluconazole), thuốc giảm viêm (prednisone) và được truy tầm kỹ kưỡng về khả năng ung thư vùng hàm mặt và cỗ (MRI, Pet Scan) mà không có kết quả.

Tất nhiên, tôi không thể định bệnh hay tư vấn cho một bệnh nhân cá biệt được, và cũng như mọi khi, lúc quý vị thính giả đưa ra một trường hợp như bệnh này, chúng ta chỉ có thể xem đây như là một cơ hội để chúng ta học hỏi thêm về một số tin tức trong y văn hiện nay, có thể có mà cũng có thể không liên hệ trực tiếp đến trường hợp chúng ta đang bàn.

Sau đây tôi xin bàn về Hội chứng Rát Miệng (Burning Mouth Syndrome, BMS), hay còn gọi là Bệnh “đau lưỡi” (glossodynia, glossa = lưỡi, odyna = đau).

Đại đa số bệnh nhân là đàn bà ( tỷ lệ 7/1 cho đến 31/1), đa số ở người phụ nữ đã tắt kinh, và có những triệu chứng khác của thời sau khi nghỉ kinh (postmenopausal). Phụ nữ gốc Á châu cũng như người Da Đỏ dễ mắc chứng này hơn.

Triệu chứng:

1) Vị trí: đau ở 2 bên lưỡi, ít gặp hơn: ở vòm miệng, môi hoặc nướu răng hàm dưới

2) Đau mạn tính (chronic pain), hiếm khi tự nhiên khỏi.

3) Đau theo lối rát, như bị phỏng (burning pain), hay tê tê, thấy rần như kiến bò (tingling). Nhiều khi chỉ mơ hồ là khó chịu, ê đau, không đau rõ rệt.

4) Triệu chứng đi kèm: cảm thấy khô miệng, khẩu vị, vị giác có thể thay đổi (dysgeusia; ví dụ: đắng lưỡi, vị kim loại; nhạy cảm quá đáng với những vị khác nhau), đau lưng mãn tính, ruột quá nhạy cảm dễ đau bụng đi cầu xong lại khỏi (irritable bowel syndrome, IBS), bụng sình hơi, cảm giác nuốt nghẹn (globus pharyngeus), đau bụng lúc có kinh (dysmenorrhea), cảm giác lo lắng (anxiety), ăn không ngon, trầm cảm (depression), rối loạn cá tính (personality disorders).

5) Thời điểm:

3 loại đau:

a) Loại 1: sáng dậy không đau, đau xuất hiện, xong từ từ tăng dần, đau nhất buổi tối lúc giờ đi ngủ nên rất khó ngủ, làm mệt mỏi, lo lắng.

b) Loại 2: đau lúc mới thức dậy và đau suốt ngày (thường gặp nhất).

c) Không theo thứ tự nhất định.

7)

a) Những tình huống làm bệnh nặng hơn:

Thần kinh căng thẳng, mệt, nói nhiều, thức ăn cay, nhiều gia vị.

b) Ít đau hơn lúc: ăn uống. Nên để ý, trong bệnh đau miệng do lỡ miệng, đau răng, đau hàm, người bệnh càng đau hơn lúc ăn uống; nếu đau rát miệng mà ăn uống lại bớt đau, thì đây là một dấu chỉ đặc biệt của “hội chứng rát miệng”.

Có thể bớt đau nhờ uống thuốc hoặc thoa thuốc tê vào chỗ đau.

8) Cường độ đau: cở trên trung bình (5-8/10), tương tự như đau răng.

9) Có thể làm mất ngủ, nhưng có thể không ảnh hưởng giấc ngủ.

10) Như trường hợp vị thính giả hỏi, đa số bệnh nhân từng được nhiều bác sĩ khám và chữa nhưng không có kế quả rõ rệt.

Nguyên nhân:

Theo định nghĩa của BMS, chúng ta chưa hiểu rõ nguyên nhân chứng này, và chỉ định bệnh BMS sau khi loại bỏ những nguyên nhân có cơ sở thể chất cụ thể hơn (như loét do ung thư, đau răng, đau khớp thái dương-hàm dưới hay temporomandibular joint, TMJ), viêm dây thần kinh do thiếu vitamin B, folic acid, Fe, zinc; do siêu vi [herpesvirus]); suy cơ năng tuyến giáp (hypothyroidism); bệnh tiểu đường (diabetes type 2); dị ứng với thuốc, thức ăn, kim loại trong răng; bệnh do răng giả gây khó chịu (poorly constructed denture).

Những giả thuyết giải thích BMS:

-Những khảo cứu gần đây cho rằng BMS do rối loạn cơ năng các dây thần kinh sọ phụ trách về vị giác (dysfunction of cranial nerves associated with taste sensation, cranial nerves V, VII, IX).

-Người mãn kinh thiếu hormone estrogen và progesterone.

-Hiện tượng tự miễn nhiễm, do cơ thể sanh ra những kháng thể chống lại chính mình (những kháng thể chống nhân (ANA) hay yếu tố phong thấp (RF) có thể hiện diện trong máu trên 50% bệnh nhân, bệnh khô miệng do nước miếng bất bình thường).

-Bệnh trầm cảm, bệnh lo lắng có thể kèm theo. Bệnh BMS có thể là một biểu hiện của bệnh thần kinh tâm thể (psychosomatic manifestation, bệnh tâm lý biểu hiện bằng triệu chứng vật thể), chứng sợ ung thư, sợ bệnh phong tình, chứng "bệnh tưởng" (hypochondriasis).

-Một số bệnh nhân có thể có thói quen lấy lưỡi chạm vào răng, hay đẩy lên vòm miệng làm gây ra những chấn thương li ti cho lưỡi.

- Bệnh Parkinson có thể làm dây thần kinh nhạy với sự đau đớn hơn.

-Liên hệ tới một giai đoạn khó khăn, bị stress trong đời, thường là 3-12 năm sau khi tắt kinh.

Chữa trị:

1) Loại bỏ các khả năng bệnh đã kể ở trên gây ra triệu chứng khô, rát, đau lưỡi miệng.

2) Nếu không có bệnh đi đôi: bác sĩ cần giải thích cho bệnh nhân yên tâm; giảm lo lắng bệnh nhân, nhất là lo ung thư (cancerophobia), lo bệnh tình dục (sexually transmitted diseases).

3) Nếu cần thuốc an thần (benzodiazepine, ví dụ: clonazepam [Klonopin], chlordiazepoxide [Librium]), thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressant), thuốc chữa trị co giật (anticonvulsivant, ví dụ: gabapentin [Neurontin], dùng với mục đích giảm cơn đau do dây thần kinh quá nhay cảm gây ra).

4) Capsaicin là một chất lấy từ ớt, có tác dụng làm giảm đau. Có những nghiên cứu cho thấy chất này có thể có ích trong chừng 1/3 các trường hợp. Tuy nhiên ở Mỹ không có thuốc chứa capsaicin để thoa trong miệng.

Tránh thuốc súc miệng có chứa alcohol, kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate, tránh uống rượu, nước pH thấp (acid) như cà phê, nước cam, chanh.
Uống những ngụm nước thường xuyên cho miệng khỏi khô, mút nước đá, nhai kẹo cao su không có đường.

5) Có thể cần tâm lý trị liệu (psychotherapy), hành vi trị liệu pháp (biobehavioral techniques).

6) Nếu một nguyên nhân vật thể giải thích được chứng đau miệng (ví dụ đi khám răng và thấy răng gần đó hay khớp TMJ gần đó có thể giải thích được cơn đau ở lưỡi) thì những chứng trầm cảm lo lắng có thể được giải toả sau khi giải quyết được bệnh đau miệng/lưỡi.

Trong 2/3 trường hợp, bệnh BMS tự nhiên từ từ thuyên giảm, các cơn đau thưa thớt đi và bệnh nhân cuối cùng hết đau.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

----------------------------------------

Reference:

1) Grushka M., Burning Mouth Syndrome. Am Fam Physician. 2002 Feb 15;65(4):615-621.
http://www.aafp.org/afp/2002/0215/p615.html

2) Wikipedia.org
Burning Mouth Syndrome

----------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

********

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG