Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Chứng đau mãn tính


Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Trong chương trình hỏi đáp y học kỳ này, Bác Sĩ Hồ Văn Hiền trả lời thắc mắc của ông Khơi Huỳnh ở bang Maryland, Hoa Kỳ về chứng đau mãn tính (chronic pain).

Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Khơi Huỳnh, đang định cư ở bang Maryland của Hoa Kỳ, có thắc mắc về chứng đau mãn tính. Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:

Đau mãn tính (chronic pain)
Thính giả đặt câu hỏi ở Mỹ; tất cả mọi biện pháp trị liệu cần bác sĩ của bệnh nhân và bệnh nhân quyết định. Câu chuyện chúng ta hôm nay hoàn toàn có tính cách thông tin tổng quát và không áp dụng riêng cho trường hợp cá biệt nào.

Đau lúc chúng ta bị thương, bị bệnh ở một bộ phận nào đó là một hiện tượng có ích. Chúng ta được cảnh báo là bộ phận đó, chỗ đó của cơ thể cần được săn sóc, và ít lắm thì cần được nghỉ ngơi cho đến khi hoàn toàn hồi phục.Trong một số trường hợp, cơn đau vẫn kéo dài do bệnh nhân mắc một bệnh kinh niên (chronic disease), như viêm khớp thấp làm đau các khớp (rheumatoid arthritis), hoặc tiểu đường làm viêm các dây thần kinh (diabetes, diabetic neuropathy).

Trong một số trường hợp khác, bộ phận tổn thương có vẻ như đã lành hẳn xét theo các tiêu chuẩn khách quan ( như chụp hình xương gãy nay đã lành lâu, hay khúc ruột bị đau đã được lấy ra bằng giải phẩu) bệnh nhân vẫn cảm thấy đau đớn, không khỏi hẳn, hoặc không thuyên giảm. Đau đớn kinh niên kéo dài trên 6 tháng (hoặc ít lắm trên 3 tháng), được mô tả như là hội chứng đau mãn tính (chronic pain syndrome), gồm nhiều thành phần và đòi hỏi sự săn sóc điều trị của nhiều chuyên gia khác nhau, làm việc chung thành một ê kíp (team).

Xin bấm vào nút PLAY hình tam giác để nghe câu hỏi và toàn bộ phần giải đáp của bác sĩ
please wait

No media source currently available

0:00 0:15:25 0:00
Tải xuống


Nguyên nhân gồm nhiều yếu tố đi song song hoặc kết hợp với nhau:

1) Bệnh trong những hệ (system) của cơ thể, có thể đã được định bệnh chính xác, có thể chưa: như hệ tiêu hoá (loét bao tử), hệ xương-cơ (viêm khớp), hệ thần kinh (dây thần kinh, rễ thần kinh bị chèn ép), hệ tiết niệu (viêm bọng đái tái hồi, hệ sinh dục (đau vì nội mạc tử cung nằm sai chỗ/endometriosis).

2) Một số yếu tố về tâm thần (neuro-psychiatric disorders) như bệnh về cá tính (personality disorder, bệnh trầm cảm (depression),bệnh mất ngủ (sleep disorders) cũng liên hệ tới hội chứng đau mãn tính.

3) Trong một số đau mãn tính, có thể người bệnh có thể được "hưởng lợi" (rewarded) một cách gián tiếp hoặc trực tiếp vì tình trạng đau đớn đó. Dù là người bệnh không ý thức như vậy, nhưng cơn đau lúc ban đầu (lúc bệnh mới cấp tính) giúp cho bệnh nhân thấy rằng có thể có những mối "lợi" này, củng cố (reinforce) cảm nhận của bệnh nhân là mình còn bị đau, trong lúc mà, khách quan mà nói, nguyên nhân làm hại mình,làm mình đau (nocive stimuli) không còn hiện hữu nữa. Cái lợi từ trong ra có thể là sự đau đớn làm mình bớt cảm giác tội lỗi, làm mình bớt trách nhiệm, làm mình khỏi phải đi làm việc mà mình không thích. Cái lợi đến từ bên ngoài có thể là người đau được gia đình chú ý nhiều hơn, được ưu tiên hơn, được bác sĩ thăm hỏi nhiều hơn,được trợ cấp.

Chữa trị dùng nhiều can thiệp khác nhau:

1) Chữa bệnh thể chất (organic disease) gây ra đau đớn.

2) Tâm lý trị liệu (psychological interventions), giúp bệnh nhân giải quyết những uẩn khúc về tâm lý nếu có, cắt đứt bớt những yếu tố có khả năng "củng cố" vai trò “ người bệnh đau khổ” (interruption of the reinforcement of the pain behavior).

3) Vật lý trị liệu (physical therapy): tăng thể lực, tăng khả năng co giãn (flexibility) các khớp và các cơ, giúp bệnh nhân tự túc trong sinh hoạt, hoạt động nhiều hơn. Dùng massage, siêu âm (ultrasound), sức nóng, lạnh để giảm viêm, giảm đau.

4) Trị liệu bằng cách dạy cho bệnh nhân có cuộc sống hoạt động, dùng đôi bàn tay trong mục đích sáng tạo, như làm nghề mộc, làm đồ gốm, in tranh lên đồ gốm; trang bị chỗ ở của người bệnh để họ có thể di chuyễn dễ dàng, sống tự túc thay vì ngồi hoặc nằm một chỗ, thụ động xem TV vì đau đớn lúc cử động, di chuyển (liệu pháp lao động /occupational therapy).

5) Dùng thuốc giảm đau. Vấn đề quan trọng là làm sao tránh đừng để bệnh nhân ghiền thuốc, lệ thuộc vào những thuốc ma tuý (narcotics).

Thuốc men:
(1) Prednisone là một chất corticoid, là giảm viêm (anti-inflammatory), nhưng đồng thời cũng làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể chống nhiễm trùng; có thể làm xót bao tử, loét bao tử. Dùng lâu dài có thể làm đổi tâm tính, giữ nước, lên cân, xốp xương và làm tăng áp suất trong nhãn cầu (increased intraocular pressure), nhất là người bị chứng cườm nước (glaucoma).

(2) Gabapentin là một thuốc chống kinh phong, được dùng chữa các cơn đau do viêm dây thần kinh (neuropathic pain) hoặc các hội chứng đau kinh niên. Theo Cochrane, chừng 50% bệnh nhân dùng không hiệu quả, 30% có kết quả ở mức cao. 2/3 bệnh nhân có biến chứng như chóng mặt, buồn ngủ, dáng đi không bình thường (gait disturbances), phù nề (edema). Tuy nhiên chỉ 11% bệnh nhân bỏ cuộc vì những phản ứng phụ này.

(3) Cymbalta (Duloxetine) là một loại thuốc chống trầm cảm (antidepressant) có tác dụng làm tăng các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters) serotonin và norepinephrine trong các khớp thần kinh (synapses) của não bộ.Thuốc còn được dùng chữa các đau do viêm dây thần kinh trong bệnh tiểu đường (diabetic neuropathy), đau xương khớp, đau lưng.

Biến chứng: áp huyết có thể tăng (đa số không tăng nhiều); khô miệng; đi tiểu nhiều lần. Vì có tương tác quan trọng với nhiều thuốc khác (drug-drug interaction), bn cần cho bs mình biết tất cả các thuốc khác đang dùng (kể cả thuốc dân tộc, thuốc mua tự do, nhất là thuốc chống trầm cảm thuộc loại MAO inhibitors). Người bị cườm nước (glaucoma) không được dùng thuốc này.

4) Dùng thuốc giảm đau. Vấn đề quan trọng là làm sao giảm thiểu các biến chứng và tránh đừng để bệnh nhân ghiền thuốc, lệ thuộc vào những thuốc ma tuý.

Chích ngoài màng cứng (epidural injection):
Xương sống lưng tạo nên một cái ống rỗng dài để che chỡ tuỷ sống.Tuỷ xương sống chạy dài từ cổ xuống lưng được bao bọc bởi một màng mỏng gọi là màng cứng (dura). Các rễ thần kinh xuất phát từ tuỷ sống phải đi qua khoảng không gian bọc quanh màng cứng (epidural space). Nếu chữa thuốc uống không kết quả, bs có thể đâm kim vào cột xương sống, chích thẳng vào khoảng epidural space một hổn hợp thuốc tê (anesthetic) và thuốc corticoid để làm giảm viêm ổ các rễ thần kinh, từ đó làm giảm đau ở bả vai, lưng, eo lưng.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bs Hồ Văn Hiền
Hien V. Ho, MD, FAAP

-----------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com, bấm vào mục Hỏi Đáp Y Học trong phần chuyên mục. Các bài giải đáp y học khác cũng được lưu trữ trong phần này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG