Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: Nội soi đầu gối


Bao nhiêu giải phẫu là cần thiết, bao nhiêu là không cần thiết trong các trường hợp nội soi đầu gối đang là đề tài tranh luận và khảo cứu.
Bao nhiêu giải phẫu là cần thiết, bao nhiêu là không cần thiết trong các trường hợp nội soi đầu gối đang là đề tài tranh luận và khảo cứu.

Thính giả Hương La từ Thụy Sĩ hỏi như sau:

“Kính thưa Bác sĩ,

Tôi tên Hương La (nữ), sanh năm 1951. Hiện cư ngụ tại Thụy Sĩ. Cách đây khoảng 2 tháng tôi có bị trượt chân té, đầu gối bên chân phải chạm xuống nền gạch. Đầu gối bị đau, gối cũng không sưng đỏ gì cả nhưng cứ đau mãi.

Sau 5 tuần tôi đi bác sĩ gia đình. Từ đó chuyển đến bác sĩ chuyên khoa, có làm MRI. Bác sĩ chuyên khoa có khuyên giải phẫu vì sợ gân bị giãn. Hiện nay tôi vẫn đi được, nhưng có phần bị tê cả chân lên tới đùi. Nơi đầu gối vẫn đau.

Tôi xin bác sĩ cho biết trường hợp này có thể điều trị bằng therapy hay hoạt động thể thao theo hình thức gymnastic được không?

Nếu không giải phẫu để lâu có ảnh hưởng gì?

Bác sĩ chuyên khoa giải thích là chỉ có một cách điều trị là giải phẫu, và ông sẽ làm "Arthroskopische Knieoperation" (tiếng Đức), tạm dịch là giải phẫu cách arthroskopic tại đầu gối. Tôi muốn hỏi ý nghĩa của cách giải phẫu này trực tiếp là làm như thế nào?

Tôi chân thành cảm ơn Bác sĩ rất nhiều."

please wait

No media source currently available

0:00 0:13:34 0:00
Tải xuống


Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Nội soi đầu gối (knee joint arthroscopy)

Như thường lệ rất tiếc tôi không thể giải quyết cho một trường hợp cá biệt được. Tuy nhiên, tôi sẽ có một nhận xét về y khoa tổng quát để chúng ta cùng học hỏi, và với một số kiến thức nền chúng ta có thể hiểu bác sĩ chuyên khoa đặt vấn đề như thế nào, những biện pháp ra sao, để chúng ta đồng ý một cách có ý thức (informed consent) trước khi để cho bác sĩ quyết định.

Bác sĩ có nhắc đến định bệnh là "sợ gân đầu gối giãn" (stretched ligament). Thủ thuật mà chúng ta bàn ở đây là nội soi đầu gối (knee joint arthroscopy).

Căn bản cơ thể học: Đầu gối là một khớp nơi 3 xương (femur, tibia, fibula) được nối với nhau bằng những sợi dây chằng. Phía trước có xương bánh chè (kneecap). Trong khớp có hai sợi dây chằng chéo với nhau giữ hai đầu xương femur (đùi) và tibia (xương chầy) với nhau, gọi là dây chằng chéo trước (anterior cruciate ligament, ACL) và dây chằng chéo sau (posterior cruciate ligament, PCL).

Hai sợi gân này ổn định đầu gối không cho xương chầy (tibia) di chuyển trước-sau. Các chấn thương đầu gối (đổi hướng đột ngột, dừng đột ngột, té không đúng thế lúc thể thao basketball, football) có thể làm:
1. ACL giãn (stretched, grade 1 sprain); chùng (loose), làm khớp mất ổn định (unstable joint), đầu gối có thể đẩy ra trước sau;
2. ACL rách ( partial tear, grade 2 sprain);
3. ACL đứt (complete tear, grade 3).

Mỗi năm có chừng 100.000-200.000 trường hợp này ở Mỹ. Bs của vị thính giả có thể dùng từ 'giãn' theo ý này.

Hai đầu xương được bao bọc bằng một lớp sụn (articular cartilage). Giữa các đầu xương tiếp giáp nhau có 2 miếng đệm làm bằng sụn để che chở các đầu xương không bị cọ xát và bị mòn gọi là meniscus, hình hai mặt trăng lưỡi liềm chụm với nhau (tiếng Hy lạp meniscus có nghĩa trăng lưỡi liềm). Trong một số bệnh khớp đầu gối như thấp khớp mãn tính, chấn thương, các vỏ sụn và đĩa sụn lưỡi liềm này có thể bị mòn, vỡ, hư hại; các mảnh vỡ, mảnh vỡ vụn sụn và xương (debris) có thể gây tổn thương thêm lúc đầu gối cử động và gây đau đớn.

Nội soi khớp (arthroscopy): thường không cần nhập viện và bác sĩ dùng thuốc tê (local, spinal, or regional anesthesia), mà không cần thuốc mê (regional). Chỉ rạch một đường nhỏ, cho ống soi vào lòng khớp và xem xét những hư hại. Những dụng cụ khác có thể được nhét vào các đường rạch nhỏ khác để cắt bỏ các mô bị huỷ hoại hay may vá những nơi bị rách, bị đứt. Qua các vết cắt ngắn, bác sĩ có thể bằng nội soi may dây gân chéo bị đứt (reconstruction). Hoặc để kết quả bền hơn, thay thế (replacement of ACL) với một dây gân chéo mới làm bằng một mẫu gân (tendon) lấy từ chỗ khác, hoặc nguyên liệu nhân tạo. Bs khoan vào xương chày và xương đùi để gắn đoạn gân thay thế này vào xương... Sau đó thì may da lại.

Tập vật lý trị liệu (physical therapy) là một cách trị liệu cho những trường hợp không cần phẫu thuật, bệnh nhân không muốn phẫu thuật hoặc áp dụng thêm sau khi đã được phẫu thuật (postoperative physical therapy). Dự hậu nói chung khá tốt sau khi vật lý trị liệu phục hồi chừng 3 tháng. Tuỳ mức độ nặng nhẹ, dư chứng có thể rất ít hoặc đáng kể, nhất là đối với người muốn tiếp tục chơi thể thao. Trở ngại chính là khớp tiếp tục bị bất ổn ("lỏng đầu gối"), do đó lâu ngày có thể các meniscus có thể hư hại theo.

Nói chung, có thể tránh phẫu thuật những trường hợp nhẹ, người bệnh không cần lao động tay chân hay không cần hoạt động thể thao nhiều, và các trẻ em (vì xương chúng chưa hoàn toàn trưởng thành).

Bao nhiêu giải phẫu là cần thiết, bao nhiêu là không cần thiết trong các trường hợp nội soi đầu gối đang là đề tài tranh luận và khảo cứu.

Ví dụ năm, 2013 báo y khoa New England Journal of Medicine công bố khảo cứu thực hiện ở 7 trường đại học trên 351 bệnh nhân bị một meniscus bị rách và dấu hiệu viêm xương khớp đầu gối. Sau 6 tháng và 12 tháng nhóm làm vật lý trị liệu và nhóm phẫu thuật có kết quả tương tự về giảm đau và khả năng dùng khớp như nhau, chứng tỏ trong nhóm bệnh nhân loại này, chọn vật lý trị liệu là lựa chọn đầu tiên là một lựa chọn đúng, để tránh các biến chứng và tốn kém đi theo phẫu thuật (1).

Nói chung bác sĩ giải phẫu có vẻ thiên về mổ, các chuyên viên vật lý trị liệu thiên về bảo thủ bằng vật lý trị liệu.

Nói chung, lựa chọn của bệnh nhân là quan trọng hơn hết. Chúng ta có thể nghiên cứu thêm về bệnh của mình và bàn luận với bác sĩ, tham khảo với các chuyên viên, bác sĩ chuyên về y khoa phục hồi để có một kết luận thích đáng cho trường hợp của mình.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Reference: Study Finds Physical Therapy Just as Effective as Surgery in Patients with a Torn Meniscus and Arthritis of the Knee
http://www.apta.org/Media/Release/Consumer/2013/3/21/

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
(Hien V Ho, MD)

----------------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của quý vị.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG