Đường dẫn truy cập

Hồng Kông kỷ niệm 20 năm ngày được trao trả cho Trung Quốc


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt binh tại doanh trại của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Shek Kong, Hồng Kông hôm 29/6 để đánh dấu 20 năm ngày TQ lấy lại quyền kiểm soát Hong Kong, cựu thuộc địa của vương quốc Anh. (Ảnh AP/Kin Cheung)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt binh tại doanh trại của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Shek Kong, Hồng Kông hôm 29/6 để đánh dấu 20 năm ngày TQ lấy lại quyền kiểm soát Hong Kong, cựu thuộc địa của vương quốc Anh. (Ảnh AP/Kin Cheung)

Hồng Kông đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày được bàn giao lại cho Trung Quốc với một màn phô trương sức mạnh quân sự, trong tình hình an ninh được siết chặt, và sự hiện diện của nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng giới hoạt động tranh đấu cho các giá trị dân chủ cốt lõi của vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của vương quốc Anh, đã hạ thấp những kỳ vọng của họ.

Ngoài các lễ lạc ăn mừng sự kiện này, ngày 1 tháng 7 còn đánh dấu lễ nhậm chức của chính quyền thứ 5 đã lên cầm quyền tại Hong Kong tính từ năm 1997.

Trong khi mọi người từng đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu năng của chính quyền của nhà lãnh đạo sắp từ nhiệm, Trưởng đặc khu hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh, giờ đây kỳ vọng đó chất chứa nhiều lo lắng về những gì sẽ xảy ra trong 20 năm tới.

Trong số ba lãnh đạo tiền nhiệm của ông, không một ai được đánh giá là đã “thành công rực rỡ”, một người, ông Donald Tsang, vừa được tại ngoại hầu tra sau khi bị kết án về tội tham nhũng.

Người đứng đầu Liên đoàn sinh viên Hồng Kông Chu Vĩnh Khang.
Người đứng đầu Liên đoàn sinh viên Hồng Kông Chu Vĩnh Khang.

Tương lai dân ch không mấy tươi sáng

Đằng sau những nghi lễ long trọng và một loạt sự kiện có mục đích thể hiện niềm hân hoan về sự kiện lịch sử Hồng Kông trở về với mẫu quốc sau 150 năm nằm dưới quyền cai trị của vương quốc Anh, nhiều người cho rằng thời kỳ huy hoàng của Hồng Kông giờ đã lùi vào quá khứ, và những giá trị cốt lõi của vùng lãnh thổ này, như một nền pháp trị và sự an toàn của mỗi công dân, đang bị xói mòn.

Một trong những thủ lãnh chính của Phong trào Dù Vàng, anh Chu Vĩnh Khang, nói tâm trạng của cư dân Hồng Kông "khá là bi quan". Được yêu cầu giải thích, anh Chu nói không những chỉ các sinh viên đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn trong năm 2014 – mà tất cả mọi người, đều cảm thấy "bất lực" và "hoàn toàn bị tước quyền".

Năm 2014, anh Chu Vĩnh Khang, người đứng đầu Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, bị bắt vì những người biểu tình vượt qua hàng rào và tràn ra đường phố, khởi động các cuộc biểu tình chống đối được đặt tên là “Phong trào Dù Vàng”. Chu Vĩnh Khang bị kết tội tham gia tập họp bất hợp pháp và bị kết án với bản án tù treo ba tuần.

Các nhà hoạt động khác nói họ chỉ quan tâm đến dân chủ ở Hồng Kông chứ không quan tâm tới các phong trào dân chủ tại Hoa Lục hay ở Đài Loan. Một số thậm chí còn kêu gọi độc lập. Nhưng theo lời Chu Vĩnh Khang thì những ai muốn có dân chủ cần có cái nhìn rộng rãi hơn.

Anh Chu giải thích lý do là "bởi vì Hồng Kông không thể tự giải quyết lấy tất cả các vấn đề.

"Hồng Kông có một vai trò đặc biệt ở Trung Quốc, nhưng nó cũng có một mối liên hệ lớn với bên ngoài. Ngoài ra, HK còn có vai trò thúc đẩy để dân chủ hóa Trung Quốc. Tôi nghĩ đó là cách duy nhất để HK thực hiện cải cách và gìn giữ các giá trị nội tại của Hồng Kông."

Hồng Kông về đêm, 1/4/2017.
Hồng Kông về đêm, 1/4/2017.

Trên bề mặt mọi sự như có vẻ tốt đẹp

Một người đến thăm Hồng Kông có thể có một ấn tượng khác biệt về vùng lãnh thổ này. Những khu vực vui chơi giải trí thời thượng, nơi khách hàng tràn ra đường phố và các hãng xưởng cũ đang biến thành thiên đường cơ hội cho giới doanh nhân khởi nghiệp trong thời đại kỹ thuật số, nhưng ngay bên dưới bề mặt hào nhoáng đó, là một nỗi băn khoăn về vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc vào tất cả mọi lĩnh vực sinh hoạt, tác động tới nền pháp trị của Hồng Kông, làm xói mòn các quyền tự do cá nhân và những giá trị cốt lõi của vùng lãnh thổ này.

Lương của người lao động không thể nào theo kịp với sự tăng vọt của giá nhà cửa. Ngày càng có nhiều di dân đến từ Hoa lục và dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc kết hợp lại khiến cho Hồng Kông ngày càng trở nên đắt đỏ hơn, và gần như vuột ra khỏi tầm với của người dân bình thường. Thời đại khi mà một người như đại gia Lý Gia Thành mở một nhà máy nhỏ sản xuất hoa nhựa, chăm chỉ làm ăn để trở thành người đàn ông giàu nhất châu Á, đã qua.

An ninh được siết chặt trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 29/6/2017.
An ninh được siết chặt trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 29/6/2017.

Hoài nghi ngờ về tương lai kinh tế và nhân quyền

Trước khi được bàn giao cho Trung Quốc, nền kinh tế Hồng Kông tăng trưởng liên tục, không hề gián đoạn, trong suốt gần bốn thập kỷ. Giờ đây, sự lạc quan trong công chúng Hồng Kông về 20 năm tới dường như không còn, đặc biệt trong các lĩnh vực chủ yếu như nền pháp trị, cải cách chính trị và tương lai của bản sắc văn hoá đặc thù Hồng Kông.

Ông Chip Tsao, một nhà bình luận văn học, còn là một nhà văn và người dẫn chương trình phát thanh, nói những niềm hy vọng của ông hồi năm 1997, khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, đã tuột dốc trong những năm qua. Ông Tsao nói ông lấy làm lo lắng về nền pháp trị của HK dưới quyền thống trị của Trung Quốc.

Ông nói: "Cách Bắc Kinh diễn giải Luật Căn bản về cơ bản khác hẳn với lối diễn giải được hiểu ở phương Tây, bởi người phương Tây và dân Hồng Kông.”

Ông giải thích thêm:

"Bắc Kinh muốn nền pháp trị phải được đặt dưới quyền chủ quyền của Trung Quốc. Điều đó đã được Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang, Bí Thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đặc trách các vấn đề Hồng Kông, minh định".

Ông Tsao nói nền báo chí tự do ở Hồng Kông đang bị đe doạ bởi giới chủ nhân đang ra sức ve vãn giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, niềm hy vọng còn sót lại, theo ông Tsao, là tự do trên mạng, nhưng với điều kiện là những tập đoàn khổng lồ như Google và Facebook giữ vững lập trường và tiếp tục ủng hộ quyền tự do biểu đạt.

Giống như nhiều người trẻ ở Hồng Kông, Chu Vĩnh Khang, chàng sinh viên có lập trường cấp tiến, đang lên đường ra nước ngoài. Anh đang cố gắng bảo vệ một luận án tiến sĩ về “địa lý con người”. Đây là lĩnh vực nghiên cứu về cách mọi người phản ứng với môi trường vật chấ, một chủ đề hợp lý cho một người đã từng tham gia phong trào Chiếm Trung để biến đổi một trung tâm thành phố trong suốt gần ba tháng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở Hồng Kông trong chuyến thăm đầu tiên tới đặc khu hành chính này từ khi ông lên nắm quyền hồi năm 2013.

Năm 1997, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Giang Trạch Dân, chủ tọa lễ bàn giao chính thức bên cạnh Hoàng tử Charles của nước Anh.

Trong dịp kỷ niệm 10 năm vào năm 2007, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã thực hiện một chuyến đi thăm ngắn ngủi tới Hồng Kông. Nhưng ông Tập là một nhà lãnh đạo rất khác so với tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ sau Mao Trạch Đông. Ông được coi là một nhà lãnh đạo không khoan nhượng, đứng đầu một chính phủ ngày càng can thiệp sâu hơn vào việc quản trị vùng lãnh thổ này, thậm chí còn lên tiếng về các ứng cử viên trong êkíp của tân Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Các lực lượng ủng hộ dân chủ coi sự can thiệp ngày càng sâu hơn của Bắc Kinh như một sự vi phạm đối với lời cam kết về mức độ tự trị cao của Hồng Kông trước khi vùng lãnh thổ này được bàn giao cho Trung Quốc, đã được ghi vào Luật Cơ bản, văn kiện được coi như hiến pháp của đặc khu Hồng Kông.

An ninh được siết chặt chưa từng thấy để bảo vệ ông Tập. Cảnh sát đã diễn tập những hoạt động mà họ gọi là "các biện pháp an ninh chống khủng bố hợp lý."

Họ kêu gọi sự thông cảm và lòng kiên nhẫn của công chúng. Trong chương trình hoạch định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cùng một đoàn xe tháp tùng đông đảo đi qua trục lộ nơi mà cách đây ba năm, hơn 200.000 học sinh, sinh viên biểu tình chiếm đóng đường phố trong suốt 79 ngày, trong cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ được gọi là Phong Trào Dù Vàng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG