Đường dẫn truy cập

HRW và giới luật sư lên tiếng về vi phạm tố tụng trong phiên tòa Đồng Tâm


Các bị cáo trong vụ án Đồng tâm tại phiên tòa ở Hà Nội. Photo Nhan Dan.
Các bị cáo trong vụ án Đồng tâm tại phiên tòa ở Hà Nội. Photo Nhan Dan.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) bày tỏ quan ngại về vi phạm thủ tục tố tụng trong phiên xử Đồng Tâm, cùng lúc giới luật sư tiếp tục lên tiếng về quyền bào chữa cho các bị cáo trong vụ án gây nhiều tranh cãi.

Tổ chức HRW kêu gọi chính quyền Việt Nam cho phép các nhà quan sát quốc tế độc lập, gồm cả giới ngoại giao, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự theo dõi phiên toà xử 29 công dân Đồng Tâm trong các ngày 07-16 tháng 9 về cáo buộc “giết người” và “chống người thi hành công vụ.”

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW nói lực lượng an ninh Việt Nam cần chấm dứt việc sách nhiễu và theo dõi thân nhân của các bị cáo.

Ông Phil Robertson viết trên Twitter rằng có đến 10 người bị tạm giữ bên ngoài phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020. Photo Twitter Phil Robertson.
Ông Phil Robertson viết trên Twitter rằng có đến 10 người bị tạm giữ bên ngoài phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020. Photo Twitter Phil Robertson.

Trong phát biểu của mình ngày 7/9, ông Robertson nói rằng HRW rất lo ngại về thủ tục tố tụng và quyền được xét xử công bằng dành cho 29 người dân Đồng Tâm đang bị xét xử.

“Nạn tra tấn và bức cung vốn vẫn phổ biến trong các trại giam của công an trong khi khái niệm tòa án độc lập còn xa vời, và các bản án được đảng Cộng sản định sẵn là các đặc thù của cái gọi là hệ thống tư pháp Việt Nam,” ông Robertson cho biết trong thông cáo.

Ông cũng nói quyền gặp luật sư của các bị cáo cực kỳ bị hạn chế và chỉ được thực hiện sau khi công an đã thẩm vấn, lấy cung và điều tra xong. Ông nói: "Còn có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời về những gì đã xảy ra trong vụ tấn công vào xã Đồng Tâm."

Ông Robertson nói chính quyền Việt Nam đang gấp rút kết tội các bị cáo, và mọi người có thể thấy rõ là Hà Nội muốn trừng phạt các bị cáo bằng các bản án rất nặng để răn đe những ai dám chống lại quyền lực nhà nước trong tương lai.

Chiều ngày 8/9, Luật sư Lê Văn Luân, một trong 13 luật sư bào chữa cho 29 bị cáo, cho biết trên Facebook rằng ông vừa làm đơn đề nghị được tiếp cận chứng cứ mà tòa đề cập. Luật sư viết: “Những chứng cứ này các luật sư đã không được tiếp cận và không được liệt kê trong danh sách các vật chứng trong tài liệu vụ án.”

Trước đó, chiều 7/9, nhóm luật sư bào chữa đã gửi đơn khiếu nại đến chánh án yêu cầu được tiếp xúc thân chủ của mình trong thời gian diễn ra phiên tòa, sau khi Thẩm phán Trương Việt Toàn, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố rằng việc tiếp xúc như vậy “là không cần thiết.”

Mô tả phiên tòa hôm 7/9, Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong 13 luật sư bào chữa, viết trên Facebook: “Phòng xử chiếm khoảng 50% là cảnh sát tư pháp, an ninh; không có người nhà các bị cáo nào được vào tham dự phiên tòa, và cũng không có người dân thường nào được vào phòng xử án.”

Luật sư Lê Văn Hòa nêu nhận định: “Phiên tòa Đồng Tâm vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì không hy vọng có bản án khách quan.”

Truyền thông Việt Nam hôm 8/9 loan tin rằng nhiều bị cáo vụ Đồng Tâm “hối lỗi, mong được khoan hồng.” Báo Dân Trí tường thuật: “các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, bày tỏ sự ăn năn, hối cải, mong được hưởng sự khoan hồng.”

Hôm 6/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô của Bộ Công an, đã lên án cụ Lê Đình Kình, người dân Đồng Tâm thiệt mạng trong vụ đối đầu ngày 9/1/2020, là “cường hào địa chủ mới.”

TTXVN dẫn lời ông Xô nói: “Sự nổi lên của đối tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại “cường hào địa chủ mới.””

VOA Express

XS
SM
MD
LG