Đường dẫn truy cập

Hun Sen trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên công du Myanmar sau đảo chính 


Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong cuộc hội kiến với Min Aung Hlaing, người cầm đầu cuộc đảo chính ở Myanmar
Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong cuộc hội kiến với Min Aung Hlaing, người cầm đầu cuộc đảo chính ở Myanmar

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gặp nhà lãnh đạo quân sự Myanmar Min Aung Hlaing hôm 7/1 trong bối cảnh ông bị chỉ trích về chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu chính phủ nước ngoài kể từ khi quân đội Myanmar giành lấy quyền lực từ chính phủ do dân bầu hồi năm ngoái.

Ông Hun Sen đã được đội quân danh dự và thảm đỏ chào đón khi ông đến nơi, vào lúc các cuộc biểu tình của những người phản đối đảo chính nổ ra ở những nơi khác của đất nước vì lo ngại chuyến thăm của ông Hun Sen sẽ giúp tập đoàn quân sự cầm quyền có được tính chính danh hơn.

Truyền hình nhà nước Myanmar sau đó đã chiếu hình ảnh hai nhà lãnh đạo chạm khuỷu tay và ngồi xuống hội đàm trên những chiếc ghế mạ vàng.

Chuyến công du hai ngày của ông Hun Sen là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu chính phủ kể từ khi quân đội Myanmar lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2 năm ngoái, làm bùng lên các cuộc biểu tình hàng tháng trời và cuộc đàn áp đẫm máu.

Nhà lãnh đạo Campuchia, vốn bị chỉ trích do đàn áp các đối thủ chính trị trong nước, cho biết ông đến thăm Myanmar là để thúc đẩy một kế hoạch hòa bình cho Myanmar do Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) bảo trợ.

Campuchia hiện là chủ tịch của khối ASEAN gồm 10 thành viên, vốn đã thông qua bản kế hoạch hòa bình ‘đồng thuận’ gồm 5 điểm hồi tháng 4.

Một số nước ASEAN khác, bao gồm Indonesia, bày tỏ bất mãn trước việc chính quyền quân sự không thực hiện kế hoạch này, bao gồm cho phép một đặc phái viên gặp bà Suu Kyi, vốn đã bị giam giữ kể từ sau đảo chính.

Tại Myanmar, những người phản đối chính quyền quân sự nói rằng ông Hun Sen, người lên nắm quyền ở Phnom Penh sau một cuộc đảo chính hồi năm 1997, đang ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar với chuyến công du này.

Tại Depayin, cách thủ đô Naypyidaw khoảng 300 km về phía bắc, người biểu tình đã đốt một tấm áp phích hình Thủ tướng Campuchia và hô vang ‘Hun Sen đừng đến Myanmar. Chúng tôi không muốn thấy nhà độc tài Hun Sen’, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy.

Cũng có tin về các cuộc biểu tình ở thành phố lớn thứ hai Mandalay và các khu vực Tanintharyi và Monywa.

Trong một bài phát biểu hôm 5/1 trước chuyến công du, ông Hun Sen kêu gọi sự kiềm chế và tuân thủ kế hoạch hòa bình từ tất cả các bên ở Myanmar.

“Những người anh em Myanmar, quý vị có muốn đất nước mình rơi vào một cuộc nội chiến thực sự hay muốn vấn đề được giải quyết?”

Sau cuộc điện đàm trong tuần này với ông Hun Sen, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói trên Twitter rằng nếu không có tiến triển đáng kể về kế hoạch hòa bình, thì chỉ nên cho phép các đại diện phi chính trị của Myanmar tham dự các cuộc họp của ASEAN.

Hồi tháng 10, lãnh đạo chính quyền quân sự Min Aung Hlaing đã bị cấm tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN vì không chấm dứt sự thù nghịch, không cho phép tiếp cận nhân đạo và không khởi động đối thoại, như đã thỏa thuận với ASEAN.

Nhưng trong một dấu hiệu khác cho thấy sự chia rẽ trong khối 10 thành viên, ông Hun Sen hồi tháng trước nói rằng các quan chức quân sự Myanmar nên được phép tham dự các cuộc họp của ASEAN.

Phó Giám đốc khu vực phụ trách nghiên cứu của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Emerlynne Gil, nhận định chuyến đi của ông Hun Sen có nguy cơ đánh đi thông điệp không rõ ràng đến nhà lãnh đạo quân sự Mynamar và thay vào đó Hun Sen nên dẫn dắt ASEAN có hành động mạnh mẽ để xử lý ‘tình hình nhân quyền thảm khốc’ của Myanmar.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG