Đường dẫn truy cập

Hy vọng đạt được khai thông trong hòa đàm Syria còn mơ hồ


Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon (phải), Đặc sứ Lakhdar Brahimi (giữa) và Trưởng ban Chính sách Đối ngoại EU Catherine Ashton trước phiên họp ở Geneve, Thụy Sĩ, 21/1/14
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon (phải), Đặc sứ Lakhdar Brahimi (giữa) và Trưởng ban Chính sách Đối ngoại EU Catherine Ashton trước phiên họp ở Geneve, Thụy Sĩ, 21/1/14
Nga và Iran đã chỉ trích việc rút lại lời mời Iran của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc liên quan tới việc tham dự cuộc hòa đàm Syria chờ đợi đã lâu, khi các phái đoàn bắt đầu tới Thụy Sĩ tham dự hội nghị mà ít người tin là có thể thành công.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov gọi quyết định vào phút chót của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon để ngăn Iran tới cuộc hòa đàm là một sai lầm nhưng không phải là một tai họa.

Ông Lavrov tái xác nhận lập trường của Nga rằng sự hiện diện của Iran là điều cần thiết cho sự thành công của cuộc hòa đàm. Tại Tehran, Bộ Ngoại Giao Iran chỉ trích gay gắt sự đổi chiều ngoại giao của ông Ban Ki-moon, và nói rằng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc làm như vậy vì những áp lực to lớn.

Hãng tin Reuters trích thuật một tuyên bố của chính phủ Nga nói rằng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nói chuyện với Tổng thống Nga, Vladimir Putin, hôm thứ Ba, về hội nghị được quốc tế bảo trợ này, và điện Kremli nhận định rằng cuộc nói chuyện rất thực tế và xây dựng.”

Kỳ vọng về việc đạt được khai thông qua hội nghị này thấp. Cuộc hòa đàm khởi sự giữa lúc có một phúc trình cáo buộc chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tra tấn và giết hại khoảng 11.000 tù nhân.

Một nhóm gồm các công tố viên về vấn đề tội ác chiến tranh và chuyên gia pháp y nổi tiếng quốc tế nói rằng phúc trình của họ dựa trên hàng ngàn hình ảnh được đưa lén ra khỏi Syria bởi một nhiếp ảnh viên quân cảnh, mà công việc của ông bao gồm việc thiết lập hồ sơ những cái chết trong các nhà tù của ông Assad.

Họ nói rằng kho dữ liệu 55.000 hình ảnh cho thấy những xác người có dấu hiệu cực kỳ đói khổ, bị đánh đập, bị bóp cổ và các hình thức ngược đãi khác.

Một trong những cựu công tố viên về tội ác chiến tranh, người ký vào phúc trình này, ông Desmond de Silva đã so sánh những hình ảnh từ Syria với vụ giết hại quy mô trong các trại tử thần của Đức Quốc xã.

Cuộc hòa đàm này theo quy định bắt đầu vào thứ Tư sẽ bao gồm những cuộc họp đầu tiên giữa chính phủ của ông Assad và phe đối lập. Khoảng 40 quốc gia sẽ có đại diện tại cuộc hòa đàm này.

Các cuộc họp khởi đầu sẽ cho phép các phái đoàn một cơ hội để đề cập tới những nỗ lực trước khi tiến trình này chuyển sang đàm phán vào thứ Sáu chỉ giữa các phe của Syria và đặc sứ Lakhdar Brahimi của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập.

Một giới chức cao cấp của Nga nói rằng vòng thương thảo đầu tiên sẽ kéo dài từ 7 tới 10 ngày và được tiếp theo bởi một vòng nữa.

Hoa Kỳ và Nga lãnh đạo những nỗ lực để tổ chức cuộc hòa đàm này. Mục đích là để thiết lập một chính phủ chuyển tiếp, tiếp theo là một cuộc ngưng bắn và một cam kết cho phép hoạt động cứu trợ nhân đạo được tiếp cận đầy đủ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG