Đường dẫn truy cập

Phản kháng gia tăng tại địa điểm hạt nhân của Ấn


Cảnh sát Ấn tìm cách dập tắt các đám lửa do những người biểu tình đốt
Cảnh sát Ấn tìm cách dập tắt các đám lửa do những người biểu tình đốt

Những vụ biểu tình tại địa điểm của một nhà máy điện hạt nhân tại Ấn Độ đã gay go hơn từ nhiều ngày trước khi diễn ra một cuộc tập họp lớn được dự trù vào tuần tới. Cho tới nay đã có ít nhất một người chết, và những người biểu tình nói rằng chính phủ không lý gì đến những quan tâm của họ về hiểm họa của một lò phản ứng đối với sự an toàn và kế sinh nhai của họ.

Hôm thứ Ba, nhà chức trách bang Maharashtra của Ấn đã hạ lệnh điều tra về vụ bắn chết một người biểu tình tại thành phố Jaitapur.

Cảnh sát nói rằng họ không có "chọn lựa nào khác" ngoài việc sử dụng đạn thật sau khi những vụ biểu tình chống lại việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trong vùng này biến thành bạo động.

Hợp đồng xây khu nhà máy điện hạt nhân tại Jaitapur đã được ký với một công ty của Pháp trong chuyến Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy đến thăm Ấn Độ trong tháng 12 năm ngoái.

Các giới chức Ấn cho biết Jaitapur và 20 nhà máy điện hạt nhân nữa sẽ sản xuất đến 1/4 năng lượng để cung ứng cho nhu cầu gia tăng nhanh chóng của nước này từ nay cho đến năm 2050.

Cư dân địa phương chống đối kịch liệt, than phiền rằng dự án sẽ buộc họ phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn dọn đi nơi khác và gây gián đoạn cho kế sinh nhai từ trước đến nay của họ như chài lưới chẳng hạn.

Thảm họa mới đây tại lò phản ứng Fukushima càng khiến cho sự chống đối tăng mạnh, với lý lẽ của những người phản đối cho rằng lò phản ứng Jaitapur xây ở một vùng duyên hải thường xảy ra động đất, và cũng dễ bị tác động của sóng thần như nhà máy Fukushima.

Bộ trưởng Môi trường Jairam Ramesh của Ấn đã kêu gọi duyệt xét lại tình trạng an toàn của các cơ sở hạt nhân của Ấn, nhưng nói rằng chính phủ không hề có ý định“xét lại” dự án Jaitapur.

Ông cho biết ông đã nêu lên một số vấn đề, và rằng chính phủ đang tranh luận về các vấn đề đó, và rằng thật là cần thiết để Ấn Độ phải xét đến những quan tâm này.

Nhưng Bộ trưởng Môi trường của Ấn nói rằng không có chọn lựa nào khác thay thế cho việc theo đuổi năng lượng hạt nhân.

Công ty điện hạt nhân chính của Ấn cho biết tất cả 20 nhà máy hạt nhân của Ấn vẫn được kiểm tra và có khả năng đối phó với các thiên tai.

Những người chống đối những lò phản ứng được dự tính xây dựng bày tỏ quyết tâm sẽ tạo áp lực bằng một cuộc tập hợp biểu tình rầm rộ sẽ lên đến cao điểm tại Jaitapur vào thứ Hai tuần tới.

Bà Karuna Raina là một nhà hoạt động chống hạt nhân làm việc trong tổ chức bảo vệ môi sinh Greenpeace tại Ấn Ðộ. Bà dự kiến sẽ xảy ra những vụ xô xát trong cuộc biểu tình vào tuần tới, và qui lỗi cho cung cách xử sự quá đáng của cảnh sát đã gây nên tình hình căng thẳng trong vùng.

Bà nói:”Nếu quí vị nhìn vào những gì vẫn xảy ra từ tháng 12 thì sẽ thấy dân chúng bị bắt giữ ngay nửa đêm, tôi muốn nói là hiện đang có một loại chế độ cảnh sát trị diễn ra tại Jaitapur.”

Bà Raina nói rằng chính phủ quốc gia và chính phủ bang đã gây thêm phẫn nộ cho dân bằng thái độ không cứu xét đến những quan tâm của cư dân một cách nghiêm túc.

Đảng Dân tộc Ấn giáo có chủ trương cứng rắn Shiv Sena, một lực lượng chính trị chiếm ưu thế tại bang Maharashtra, đang ủng hộ cho các cuộc biểu tình.

Các giới chức cao cấp trong đảng Quốc đại đương quyền tại Ấn chỉ trích đảng Shiv Sena là khích động các cuộc biểu tình phản đối để giành lợi thế chính trị.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG