Đường dẫn truy cập

Indonesia muốn đưa nhân quyền lên hàng ưu tiên của ASEAN


Ngoại trưởng Natalegawa nói Indonesia dự định đặt vấn đề nhân quyền thành ưu tiên hàng đầu của ASEAN
Ngoại trưởng Natalegawa nói Indonesia dự định đặt vấn đề nhân quyền thành ưu tiên hàng đầu của ASEAN

Năm nay, Indonesia giữ chức chủ tịch ASEAN. Tại một cuộc họp báo hôm nay, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tuyên bố Indonesia dự định đặt vấn đề nhân quyền thành ưu tiên hàng đầu cho tổ chức khu vực này.

Ngoại trưởng Indonesia nói Indonesia hy vọng ủy ban nhân quyền ASEAN sẽ hữu hiệu hơn trong việc hoàn thành sứ mạng chứng tỏ sự cam kết của ASEAN trong việc tôn trọng nhân quyền.

Chức chủ tịch được luân phiên hàng năm giữa các nước thành viên ASEAN.

Ông Pavin Chachavalpongun là một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông nam châu Á ở Singapore. Ông nói rằng một sự nhấn mạnh vào nhân quyền trong khối ASEAn là một thay đổi lớn so với trước đây.

Nhưng, theo ông, nêu lên những vấn đề gây tranh cãi như nhân quyền có thể bị một số nước coi như một vi phạm vào nguyên tắc của ASEAN là không can thiệp vào nội bộ của các nước thành viên. Ông Chachavalpongun nhận định

“Các nước thành viên vui lòng bàn về vấn đề đó chừng nào mà vấn đề không ảnh hưởng đến các quyền lợi của nước họ, nhưng khi bàn đến những vấn đề gay go như dân chủ và nhân quyền thì ta phải thừa nhận rằng không phải tất cả các nước trong ASEAN đều dân chủ.”

Trong số 10 nước thành viên ASEAN, Lào và Việt Nam là hai chính phủ độc đảng, do đảng Cộng sản lãnh đạo.

Và các tổ chức nhân quyền coi chính phủ quân nhân Miến Điện như một trong các chính phủ áp bức nhất thế giới.

Cuộc bầu cử hồi năm ngoái ở Miến Điện, còn gọi là Myanmar, đã đưa vấn đề nhân quyền bên trong khối ASEAN lên hàng đầu.

Giới chỉ trích chính phủ Miến Điện nói rằng chính phủ này đã dàn xếp cuộc bầu cử để bảo đảm rằng quân đội tiếp tục nắm quyền.

Các tổ chức nhân quyền chỉ trích ASEAN là không phản đối Miến Điện về những vụ vi phạm ở đó.

Theo ông Chachavalpongun, nếu Indonesia muốn ASEAN nghiêm túc về vấn đề nhân quyền thì tổ chức này cần phải bãi bỏ nguyên tắc bất can thiệp:

“Tôi cũng nghĩ là có lẽ đã đến lúc ASEAN nên bàn đến một hình thức trừng phạt nào đó, có thể là không đến độ loại trừ các nước thành viên. Phải có một hình thức tuân thủ và một cách trừng phạt nào đó đối với một số thành viên trong trường hợp thành viên đó rõ ràng là không tuân thủ.”

Ngoại trưởng Natalegawa nói rằng tình hình tại Miến Điện hồi năm ngoái quả là đã góp phần vào việc Indonesia cam kết nhấn mạnh đến vấn đề nhân quyền trong khối ASEAN. Nhưng ông không đi đến chỗ đề nghị các biện pháp cụ thể và nói rằng tình hình ở Miến Điện đã cải thiện kể từ sau cuộc bầu cử.

Chẳng hạn ông nêu ra rằng lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đã được trả tự do không còn bị quản thúc sau cuộc bầu cử. Ngoại trưởng Natalegawa nói:

“Đương nhiên, trong vài tuần vừa qua đã có những diễn biến quan trọng ở Myanmar. Các cuộc bầu cử đáng chú ý. Nhưng ngoài ra, ta đã thấy bà Aung San Suu Kyi được phóng thích. Vậy là cả hai diễn biến quan trọng này đều phải được chú ý, nghiền ngẫm để ASEAN có thể tính tới. Làm thế nào để bảo đảm vấn đề Myanmar hay các diễn biến ở Myanmar có thể đi đến kết thúc vào năm 2011.”

Thay vì trừng phạt những nước vi phạm, ông Natalegawa cho biết Indonesia dự tính sử dùng đường lối ngoại giao trầm tĩnh và xây dựng sự đồng thuận để thuyết phục các thành viên ASEAN tôn trọng nhân quyền.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG