Đường dẫn truy cập

Indonesia tăng cường tuần tra sau khi cảnh sát biển Trung Quốc lởn vởn quanh đảo Natuna


Tổng thống Indonesia Joko Widodo đi thăm một căn cứ quân sự tại Natuna, Indonesia, gần Biển Đông, ngày 9/1/2020. Ảnh của Antara Foto/via REUTERS
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đi thăm một căn cứ quân sự tại Natuna, Indonesia, gần Biển Đông, ngày 9/1/2020. Ảnh của Antara Foto/via REUTERS

Indonesia sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra trong vùng biển gần một số đảo của nước này trong Biển Đông sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc được phát hiện gần đó, gây nghi ngại về ý đồ của nó, Reuters dẫn lời một quan chức an ninh Indonesia nói hôm 15/9.

Chiếc tàu Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia ở phía bắc quần đảo Natuna hôm thứ Bảy vừa rồi và chỉ rời đi hôm thứ Hai 14/9 sau khi phía Indonesia khẳng định quyền chủ quyền của mình trong vùng biển này, ông Aan Kurnia, Giám đốc Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia, Bakamia, nói với Reuters.

Theo luật pháp quốc tế, tàu bè có quyền đi lại ‘vô hại’ qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một nước, nhưng ông Aan nói tàu hải cảnh của Trung Quốc lởn vởn trong EEZ của nước ông quá lâu.

“Vì con tàu trôi nổi, rồi đi lòng vòng, chúng tôi đâm ra nghi ngờ, tới gần chúng tôi mới biết đây là một tàu hải cảnh Trung Quốc,” ông nói thêm rằng từ nay, hải quân và tàu cảnh sát biển Indonesia sẽ tăng cường hoạt động trên vùng biển này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân (Wang Wenbin), nói rằng tàu Trung Quốc đang tiến hành “các hoạt động tuần tiễu thường lệ trong các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc.”

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Uông nói:

“Các quyền và lợi ích của Trung Quốc trong các vùng biển liên hệ trong Biển Đông đã rõ ràng.”

Năm 2017, Indonesia đặt tên vùng biển phía bắc khu đặc quyền kinh tế của họ là Biển Bắc Natuna, để chống lại tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong khi Bắc Kinh không tuyên bố chủ quyền trên các đảo Natuna, sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc tại địa điểm cách xa bờ biển nước này tới 1.234 dặm- tương đương 2000 km, đã gây quan tâm tại Jakarta, sau vô số các vụ đụng độ với tàu Trung Quốc trong các vùng EEZ của Malaysia, Philippines và Việt Nam, đặc biêt khi tàu Trung Quốc gây gián đoạn cho các hoạt động đánh bắt cá cũng như các hoạt động khai thác dầu khí của các nước này.

Cách đây 10 tháng, một vụ đối đầu kéo dài nhiều tuần lễ đã diễn ra sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc và nhiều tàu đánh cá đi kèm tiến vào Biển Bắc Natuna, khiến chính phủ Indonesia cấp tốc triển khai chiến đấu cơ đồng thời huy động lực lượng ngư dân của chính họ.

Tàu hải cảnh Trung Quốc thường xuyên hộ tống các đoàn tàu đánh cá của nước này, khiến các chuyên gia miêu tả các hoạt động có phối hợp đó là “lực lượng dân quân được nhà nước hậu thuẫn”.

Đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển rộng lớn trong khu vực bao gồm các vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna. Năm 2016, một tòa án quốc tế đã ra phán quyết không công nhân tuyên bố đường 9 đoạn Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah tái khẳng định rằng Jakarta không công nhận ‘đường 9 đoạn’ của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG