Đường dẫn truy cập

Cựu Tổng thống Nam Phi cấp tốc đến Côte d'Ivoire


Cựu tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki (trái) hội đàm cùng ông Alassane Ouattara (phải) tại Abidjan, 05/12/2010
Cựu tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki (trái) hội đàm cùng ông Alassane Ouattara (phải) tại Abidjan, 05/12/2010

Sau khi Côte d'Ivoire tiếp tục rơi vào khủng hoảng chính trị vì có hai người tuyên bố làm tổng thống, Liên hiệp châu Phi đã phái cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki cấp tốc đến Côte d'Ivoire để điều giải.

Liên hiệp châu Phi nói rằng sứ mạng khẩn cấp của ông Mbeki là tìm một giải pháp hợp pháp và hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Ông Mbeki đã gặp cả hai nhân vật tự nhận là tổng thống, sau đó cho biết:

“Chuyện đang làm của tôi là thảo luận với tất cả mọi người để cố gắng có sự hiểu biết trực tiếp về chuyện gì đã thực sự xảy ra tại Côte d'Ivoire.”

Ông Ouattara, một trong hai người nhận là tổng thống, cho biết đã nói chuyện với cựu Tổng thống Nam Phi hôm Chủ nhật với tư cách là tổng thống đích thực của Côte d'Ivoire:

“Tôi đã yêu cầu nhà cựu lãnh đạo của Nam Phi nói với ông Gbagbo hãy từ bỏ quyền lực vì ông ta đã thất cử.”

Ông Ouattara được sự ủng hộ của Burkina Faso, Nigeria, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, và EU.

Ông Gbagbo gọi sự ủng hộ của nước ngoài dành cho ông Ouattara là hành động đe dọa chủ quyền của Côte d'Ivoire.

Sự kháng cự của ông Gbagbo trước áp lực quốc tế làm sứ mạng của ông Mbeki thêm phức tạp vì Liên hiệp châu Phi, tổ chức phái ông Mbeki đến Côte d'Ivoire, đã công nhận kết quả của ủy ban bầu cử trong đó nói rằng ông Gbabgo đã thua.

Ông Ouattara đã chỉ định 13 bộ trưởng mới, trong đó cựu lãnh tụ phiến quân đang làm Thủ tướng lâm thời, ông Guillaume Soro, được chỉ định làm thủ tướng mới, kiêm bộ trưởng quốc phòng.

Các bộ phận của Liên Hiệp Quốc tại Côte d'Ivoire đã họp ngày chủ nhật để xem có nên cho nhân viên của mình di tản vì tình hình an ninh ngày càng xuống cấp hay không. Có thể họ sẽ quyết định vào thứ Hai.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG