Đường dẫn truy cập

Nhật thử nghiệm khả năng chịu đựng của các nhà máy hạt nhân


35 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản hiện không hoạt động
35 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản hiện không hoạt động

Các giới chức Nhật Bản nói sẽ cho phép các nhà máy hạt nhân hiện không hoạt động tái tục trở lại chỉ sau khi chúng vượt qua các cuộc thử nghiệm về an toàn, kiểm tra khả năng chịu đựng trước các thảm họa lớn. Thông tín viên đài VOA Steve Herman tường thuật từ Tokyo rằng các đánh giá đó nằm trong khuôn khổ một nỗ lực nhằm khôi phục lòng tin của công chúng đối với năng lượng nguyên tử sau khi xảy ra thảm họa động đất kéo theo sóng thần hôm 11/3 dẫn tới việc tan chảy ba lò phản ứng hạt nhân ở nước này.

Chính phủ Nhật Bản cho hay, “các cuộc thử nghiệm khả năng chịu đựng” gồm hai giai đoạn sẽ được tiến hành tại tất cả các lò phản ứng hạt nhân của nước này.

Trao đổi với các phóng viên ngày hôm nay, người phát ngôn chính của chính phủ Nhật Bản, ông Yukio Edano giải thích rằng các giới chức có thể bắt đầu cho phép tái khởi động các nhà máy hạt nhân sau giai đoạn đánh giá đầu tiên.

Ông Edano cho biết sẽ không đặt ra thời hạn tiến hành các cuộc thử nghiệm sức chịu đựng do Ủy ban An toàn Hạt nhân nước này đảm trách vai trò chủ yếu. Ông nói các nhà máy hiện vẫn hoạt động sẽ phải trải qua đợt thử nghiệm toàn diện hơn trong giai đoạn hai.

Các giới chức cho biết các cuộc thử nghiệm có thể dẫn tới việc đóng cửa một số lò phản ứng hiện đang hoạt động.

Các cuộc thử nghiệm, vốn được áp dụng các tiêu chuẩn khác với đề xuất của Liên hiệp châu Âu, sẽ xác định xem các cơ sở hạt nhân sẽ đối phó tốt như thế nào trong trường hợp xảy ra động đất, lụt lội, cháy nổ hay bị máy bay đâm vào.

35 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản hiện không hoạt động. Phần lớn là do đang được bảo hành hoặc không được chính quyền địa phương cấm phép tái hoạt động vì quan ngại về an toàn.

Các giới chức địa phương ngày càng tỏ ra quan ngại về an toàn hạt nhân sau trận động đất mạnh 9 độ richter kéo theo sóng thần hôm 11/3 ở vùng duyên hải miền đông bắc nước này. Ngoài việc làm hơn 20 nghìn người thiệt mạng hoặc mất tích, thảm họa tự nhiên này còn làm hư hỏng nặng nề nhà máy Fukushima-1 do Công ty điện lực Tokyo quản lý. Ba trong số sáu lò phản ứng của nhà máy bị tan chảy và vẫn rò rỉ phóng xạ.

Tai nạn này cùng với việc trì hoãn tái hoạt động của các lò phản ứng khác đã khiến một số khu vực của Nhật Bản phải thực thi các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Trước khi xảy ra thảm họa hồi tháng Ba, Nhật Bản phụ thuộc vào các nhà máy hạt nhân cho 30% sản lượng điện của nước này và dự kiến sẽ tăng lên tới 50% vào năm 2030.

Nhưng Thủ tướng Naoto Kan muốn duyệt lại toàn bộ kế hoạch năng lượng của nước này. Ông đưa ra một sự thay đổi chính sách bất ngờ hồi tuần trước, khi loan báo rằng tất cả các nhà máy hạt nhân cần phải được đánh giá an toàn toàn diện.

Thông báo của thủ tướng đã buộc tỉnh trưởng Saga phải thay đổi quyết định cho phép hai nhà máy hạt nhân tái tục hoạt động ở tỉnh mình.

Ông Kan liên tục đối mặt với những lời chỉ trích về cách xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân, khiến các nhà lập pháp trong chính đảng của ông lại lên tiếng kêu gọi ông từ chức.

Sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội hồi tháng trước, ông Kan thông báo ý định chuyển giao quyền hành lãnh đạo cho một thế hệ trẻ hơn. Thủ tướng không thông báo khi nào thì ông sẽ từ nhiệm, mặc dù các thành viên khác trong Đảng Dân chủ nói rằng có phần chắc ông sẽ từ chức vào tháng tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG