Đường dẫn truy cập

Nhật Bản ngưng mọi hoạt động để kỷ niệm 1 năm vụ thiên tai


Nến đã được thắp cho linh hồn của những người đã thiệt mạng trong trận động đất và sóng thần.
Nến đã được thắp cho linh hồn của những người đã thiệt mạng trong trận động đất và sóng thần.

Nhật Bản đã nhất loạt ngưng mọi hoạt động vào chiều chủ nhật, giờ địa phương để hồi tưởng thiên tai xảy ra đúng một năm trước và hoài niệm gần 20 ngàn người tử nạn hay mất tích.

Một trận động đất mạnh 9 độ đã xảy ra ngoài khơi duyên hải đông bắc nước này, gây ra một cơn sóng thần ở độ cao chưa từng thấy từ nhiều thế kỷ. Các vùng duyên hải của nhiều cộng đồng đã bị cuốn ra biển. Vụ thiên tai cũng khiến 3 lò phản ứng hạt nhân bị tan chảy. Các mức phóng xạ quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn còn cao.

Các buổi lễ nhân ngày tưởng niệm đã được tổ chức ở các cộng đồng bị tàn phá và trên một sân khấu toàn quốc ở Tokyo. Buổi lễ ở thủ đô có sự hiện diện của Nhật hoàng và Nhật hậu. Những lời phát biểu của Nhật hoàng đã được phát đi trên toàn quốc.

Ngài nói, “Điều quan trọng là không quên đi những kỷ niệm về tấn thảm kịch này và truyền đạt lại cho hậu thế, để nuôi dưỡng sự sẵn sàng ứng phó với các thiên tai, và cố gắng tiến tới xây dựng một đất nước an toàn hơn.

Sau khi Nhật hoàng phát biểu, một tín hiệu toàn quốc đã nhắc nhở mọi người khắp nước yên lặng trong 1 phút mặc niệm, bắt đầu vào đúng thời điểm ngày 11 tháng 3 năm 2011, khi mặt đất bắt đầu rung chuyển.

MỘT THỊ TRẤN ĐAU KHỔ

Những lời phát biểu của Nhật hoàng đã được phát đi vào sân vận động công cộng ở thị trấn Onnagawa miền ven biểu, một trong những nơi bị tác động mạnh nhất của cơn sóng thần.

Sau lời phát biểu này, những người sống sót ở Onnagawa đã tặng hoa cho thân và và bạn bè mà họ đã gặp đúng một năm trước.

Các buổi tưởng niệm không chính thức bắt đầu ở thị trấn từ tối thứ bẩy. Nến đã được thắp cho linh hồn của những người đã quá vãng, trong khi thân nhân của một số người mất tích ngoài biển khơi tham gia một buổi lễ trên những con thuyền ở Vịnh Matsushima, một trong số ít các khu vực dọc theo đường ven duyên hải Thái Bình Dương phần nào đã tránh được sự tàn phá lây lan.

Giữa nhiều tấn thảm kịch vào ngày hôm đó, có lẽ không có thảm kịch nào gây xúc động hơn là vụ sóng thần đập vào các trường tiểu học, cuốn trôi các giáo viên và học sinh ra biển.

Thảm kịch đó ám ảnh Kazuhiko Abe, một giáo viên trung cấp ở Onnagawa, người đang đi thăm những trường học bị hư hại ở các cộng đồng khác.

Giáo viên này nói ông cảm thấy nhẹ người là những người trẻ tuổi sống sót đang thích nghi tương đối tốt, dù đã trải qua kinh nghiệm khủng khiếp cách đây mới có một năm. Nhưng đối với những người đã trưởng thành thì sự hàn gắn chậm chạp hơn, nếu có.

Giáo viên này nói, “Đám trẻ đang tiến sang một bước khác. Mặc dù là giáo viên, trong tư cách một người trưởng thành, đó là điều tôi đã học hỏi được từ đa số các em trong năm vừa qua.”

MỘT HỒI CHUÔNG ĐỔ

Tại các buổi lễ ở thị trấn Ishinomaki, một tu sĩ Phật giáo đã niệm kinh trong khi những người sống sót và những người qua đường luân phiên nhau gióng một tiếng chuông đúng 19 ngàn 184 lần – là con số chính thức những người thiệt mạng và mất tích.

Việc gióng chuông là ý kiến của ông Benjamin Loh, một cư dân sinh trưởng ở Singapore đã mất mẹ vợ và nhà cửa trong cơn sóng thần.

Ông này nói: “Đó là một biến cố mà tôi hy vọng sẽ giúp chứng minh rằng mọi sự không bị quên lãng, rằng ngày 11 tháng 3 sẽ còn dược nhiều người ghi nhớ, không riêng ở Nhật Bản, mà theo tôi, còn ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt là trong khu vực này.”

DI TÍCH CỦA SỰ TÀN PHÁ

Trong khắp khu vực, vẫn còn nhiều thứ đáng kể nhắc nhở đến sức mạnh của cơn sóng thần. Các tòa nhà nhiều tầng còn nằm nghiêng ngả ngổn ngang. Những đồ vật to lớn đã bị cuốn xa hàng trăm mét còn chưa được di dời.

Các khoảng đất trơ trụi đã thay thế cho các quận thương mại và các khu phố cư dân.

Một trong các thử thách lớn nhất mà vùng đông bắc Nhật Bản là phải xử lý ra sao những núi đổ nát do động đất và sóng thần gây ra, mà người Nhật gọi là “gareki.” Giới hữu trách ước tính chung cuộc sẽ có 2, 2 triệu tấn gareki – gồm mọi thứ từ xe cộ bị bẹp nát cho đến các đống quần áo chồng chất.

Tuy nhiên có một điều khác còn phải lo lắng là những cơn hậu chấn vẫn tiếp tục làm rúng động khu vực, buộc những người sống sót vốn đã hoảng sợ phải sống lại cái ngày khủng khiếp ấy. Và nhiều nhà địa chấn học đang cảnh báo rằng khu vực thủ đô Tokyo về phía nam còn có thể bị một trận động đất mạnh 7 độ – một trận động đất cũng có thể châm ngòi cho một cơn sóng thần khác gây chết chóc, nhắc nhở đến sự đau khổ cho một đất nước vẫn còn đang chật vật ứng phó với một trong các thiên tai khủng khiếp nhất từ trước đến nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG