Đường dẫn truy cập

Không có tiến bộ trong cuộc thương thuyết giữa hai miền Triều Tiên


Dân Bắc Triều Tiên đăng ký đi lính trong bức ảnh không đề ngày tháng do thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA phát hành tại Bình Nhưỡng, ngày 23/8/2015.
Dân Bắc Triều Tiên đăng ký đi lính trong bức ảnh không đề ngày tháng do thông tấn xã Bắc Triều Tiên KCNA phát hành tại Bình Nhưỡng, ngày 23/8/2015.

Cuộc họp khẩn giữa Nam và Bắc Triều Tiên tại làng đình chiến Bản Môn Điếm đã kéo dài 3 ngày mà không có dấu hiệu tiến bộ nào. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết từ Seoul.

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye hôm nay công khai đòi Bắc Triều Tiên xin lỗi vì những hành vi gây hấn hồi gần đây, trong lúc cuộc đàm phán cấp cao giữa đôi bên rõ ràng là chưa mang lại một giải pháp ngoại giao để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Người đứng đầu chính phủ ở Seoul phát biểu như sau tại cuộc họp nội các.

"Chúng tôi cần một lời tạ lỗi và những biện pháp rõ ràng để ngăn chận sự tái diễn của những hành vi gây hấn và tình hình căng thẳng này. Nếu không chính phủ chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp phù hợp và tiếp tục thực hiện những chương trình phát thanh qua loa phóng thanh."

Cuộc họp khẩn tại làng đình chiến Bản Môn Điếm bắt đầu hôm thứ bảy, không lâu sau khi trôi qua một thời hạn chót do Bình Nhưỡng đưa ra để đòi Seoul phải ngưng chương trình phát thanh xuyên biên giới nếu không muốn bị tấn công.

Binh sĩ Hàn Quốc canh gác tại một chốt kiểm soát trên chiếc cầu dẫn tới làng đình chiến Bản Môn Điếm, ngày 24/7/2015.
Binh sĩ Hàn Quốc canh gác tại một chốt kiểm soát trên chiếc cầu dẫn tới làng đình chiến Bản Môn Điếm, ngày 24/7/2015.

Cuộc thương thuyết kéo dài 3 ngày mà không có dấu hiệu tiến bộ nào. Phái đoàn của đôi bên bao gồm những giới chức quân sự và ngoại giao cấp cao.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, người từng giữ chức bộ trưởng ngoại giao Nam Triều Tiên, hối thúc đôi bên tăng cường những nỗ lực để đạt được một thoả hiệp.

Trong lúc các giới chức không công khai đưa ra bình luận nào khác hơn là cuộc điều đình “khá căng thẳng”, cả đôi bên dường như đều không muốn nhượng bộ về những đòi hỏi công khai mà họ đưa ra để chấm dứt vụ khủng hoảng.

Sau khi tố cáo Bình Nhưỡng gài mìn bên phía miền Nam của Khu phi quân sự làm bị thương hai quân nhân Nam Triều Tiên, Seoul đã thực hiện lại những chương trình phát thanh tuyên truyền trong khu vực biên giới lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm.

Tuần trước Nam và Bắc Triều Tiên đã pháo kích lẫn nhau trong Vùng phi quân sự gần một tháp phóng thanh.

Bắc Triều Tiên nói rằng họ không dính líu gì tới hai vụ đó và đòi Seoul chấm dứt những hành động mà họ cho là một cuộc chiến tranh tâm lý.

Tuần trước, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố “tình trạng tương tự như chiến tranh.” Sau đó đôi bên đã điều động binh sĩ và khí tài quân sự để tăng cường tình trạng sẵn sàng ứng chiến.

Nam Triều Tiên mới đây cho biết những sự di chuyển bất thường của binh lính và tàu ngầm của Bắc Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng đã đưa 70% tàu ngầm của họ ra khỏi căn cứ và những chiếc tàu đó bây giờ không biết ở đâu. Hôm qua, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng đó là “một diễn tiến trước đây chưa từng có.”

Nam Triều Tiên cũng cho biết Bắc Triều Tiên đã tăng gấp đôi lực lượng pháo binh tại vùng biên giới giáp với miền Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min Soek hôm nay tỏ ý cho thấy Seoul và Hoa Kỳ có thể xem xét tới việc đưa thêm tới Nam Triều Tiên những nguồn lực quân sự của Mỹ đang có sẵn tại những nơi khác trong khu vực.

"Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi tình hình nguy cấp ở bán đảo Triều Tiên và có thể xem xét tới thời điểm triển khai những nguồn lực quân sự chiến lược của Mỹ."

Hoa Kỳ có hơn 28.000 binh sĩ trú đóng ở Nam Triều Tiên và đang tiến hành những cuộc tập trận chung hàng năm với quân đội nước này.

Bắc Triều Tiên lên án những cuộc diễn tập đó là những cuộc tập dượt để chuẩn bị xâm lăng miền Bắc.

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại một cuộc họp khẩn với Ban Quân ủy Trung ương ở Bình Nhưỡng.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại một cuộc họp khẩn với Ban Quân ủy Trung ương ở Bình Nhưỡng.

Thứ bảy vừa qua, 8 chiếc chiến đấu cơ phản lực của Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã thực hiện một cuộc không kích mô phỏng trên lãnh thổ của Nam Triều Tiên như một “cuộc biểu dương sức mạnh” để chống lại những lời đe dọa của Bắc Triều Tiên.

Cuộc họp khẩn bắt đầu hôm thứ bảy là cuộc đối thoại Liên Triều cấp cao lần đầu tiên kể từ tháng hai năm 2014.

Một cuộc họp khẩn để ứng phó với một vụ khủng hoảng do vũ lực gây ra nêu bật một mô thức của hoạt động ngoại giao mà hai nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên trước đây là ông Kim Il Sung và ông Kim Jong Il vẫn thường sử dụng để tìm kiếm những sự nhượng bộ và viện trợ từ phía Nam Triều Tiên.

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, một số người lo ngại là ông Kim Jong Un, một nhân vật trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm, không có được những kỹ xảo ngoại giao để tham gia một cuộc chơi “ú tim” như vậy hoặc sự nắm giữ quyền lực của ông không đủ vững chắc để có thể thoả hiệp khi cần thiết.

Seoul cũng ít sẵn sàng nhượng bộ hơn dưới thời của Tổng thống Park Guen Hye, và quân đội của họ đã được lệnh đáp trả bằng sức mạnh, kể từ khi một vụ pháo kích của Bắc Triều Tiên năm 2010 giết chết 4 người ở miền Nam.

Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết chính sách của họ là đáp trả một cách tương xứng đối với những hành động gây hấn của Bắc Triều Tiên để chứng tỏ quyết tâm và để răn đe mà không làm cho xung đột leo thang.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG