Đường dẫn truy cập

‘Nỗi ám ảnh’ của người Việt tị nạn về biến cố Sài Gòn 1975 sống lại trong khủng hoảng Kabul


Hình ảnh trực thăng của quân đội Mỹ ngày Sài Gòn thất thủ (trái) và tại Kabul khi bị Taliban chiếm lại, được Bộ trưởng Nhân quyền Pakistan, Shireen Mazari, chia sẻ trên Twitter. Những hình ảnh này làm nhiều người Việt tị nạn nhới lại biến cố Sài Gòn cuối tháng 4/1975.
Hình ảnh trực thăng của quân đội Mỹ ngày Sài Gòn thất thủ (trái) và tại Kabul khi bị Taliban chiếm lại, được Bộ trưởng Nhân quyền Pakistan, Shireen Mazari, chia sẻ trên Twitter. Những hình ảnh này làm nhiều người Việt tị nạn nhới lại biến cố Sài Gòn cuối tháng 4/1975.

Dù Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định rằng “Kabul không phải là Sài Gòn” nhưng những gì xảy ở Afghanistan trong những ngày qua đang gợi lại những ký ức và “nỗi ám ảnh” của người Việt tị nạn về biến cố 40/3/1975.

Sau 20 năm tham gia vào cuộc chiến ở Afghanistan, Mỹ quyết định rút quân khỏi đây, bắt đầu bằng một hiệp ước hoà bình mà Tổng thống Donald Trump ký với Taliban vào năm ngoái. Giống như cuộc chiến tranh Việt Nam, sau khi quân đội Mỹ rút lui, Taliban đã chiếm được thủ đổ của Afghanistan, Kabul, nhưng nhanh hơn nhiều so với quân Bắc Việt chiếm được Sài Gòn.

Kabul thất thủ nhanh chóng khiến Tổng thống Ashraf Ghani phải rời bỏ ngay trong ngày Taliban tiến vào thủ đô của Afghanistan hôm 15/8.

Những hình ảnh và ghi nhận của truyền thông quốc tế trong những ngày qua so sánh việc Taliban chiếm được Kabul với việc Sài Gòn bị thất thủ năm 1975.

(Những hình ảnh đó) mang lại những nỗi đau buồn… làm chúng ta nhớ lại hoàn cảnh di cư, chạy loạn, rời bỏ đất nước và đồng thời mình biết là chế độ sắp đến là một chế độ độc tài.
Vũ Bảo Kỳ, cựu di dân chiến tranh Việt Nam


Hình ảnh nổi bật nhất cho sự so sánh này là chiếc trực thăng vận tải của quân đội Hoa Kỳ chuẩn bị đáp trên nóc toà Đại sứ Mỹ ở Kabul hôm 15/8. Một hình ảnh tương tự được đăng kèm là chiếc trực thăng của quân đội Hoa Kỳ đậu trên nóc một toà nhà bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn để đón người Việt Nam di tản.

Bộ trưởng Blinken hôm 15/8 phủ nhận sự giống nhau của hai sự kiện này khi nói rằng “Đây rõ ràng không phải là Sài Gòn” trong cuộc phỏng vấn với ABC News.

Tổng thống Biden trước đó vài ngày cũng phủ nhận sự tương đồng của việc rút lui của quân đội Mỹ ở Afghanistan và Việt Nam. Ông được Reuters trích lời khẳng định tại một cuộc họp báo hôm 12/8 rằng sẽ không có việc di tản người bằng máy bay từ một nóc toà đại sứ Mỹ ở Afghanistan.

Tuy nhiên, đối với những người Việt và gia đình của họ từng chứng kiến sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975, thì những gì đang diễn ra ở Afghanistan “mang lại cho họ nỗi ám ảnh,” theo Hội người Mỹ gốc Việt cấp tiến PIVOT.

Tổ chức này nói trong một thông cáo ra hôm 15/8 về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Afghanistan rằng những cảnh tượng của “cuộc di tản hỗn loạn từ những thành phố đã sụp đổ, nỗi sợ hãi và hoảng loạn của người dân, sự tuyệt vọng của nhiều người đang tìm cách thoát ra khỏi xứ sở này bằng bất cứ giá nào và đưa gia đình họ đến nơi an toàn… giống những gì đã xảy ra trong hai năm cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam sau khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi đây.”

“(Những hình ảnh đó) mang lại những nỗi đau buồn… làm chúng ta nhớ lại hoàn cảnh di cư, chạy loạn, rời bỏ đất nước và đồng thời mình biết là chế độ sắp đến là một chế độ độc tài,” ông Vũ Bảo Kỳ, một cựu di dân Việt hiện đang sinh sống tại Atlanta, Georgia, nói với VOA khi nhớ lại những hình ảnh ngày Sài Gòn sụp đổ mà ông được xem từ đảo Guam, nơi ông cùng gia đình đang tạm trú sau khi rời Việt Nam trước đó một tuần.

Theo ông Kỳ, người nằm trong số hơn 100.000 công dân Việt được di tản tới đảo Guam trước và sau khi Sài Gòn thất thủ năm 1975, hình ảnh những người Afghanistan đổ về sân bay Kabul “để được chính phủ Hoa Kỳ cứu vớt… sẽ đem lại cảm giác đau thương mà chúng tôi đã trải qua cách đây 46 năm.”

Chạy trốn

Hàng trăm người đã chạy theo và bám vào một máy bay vận tải của Không lực Mỹ khi cất cánh trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm chạy thoát khỏi Afghanistan sau khi quân Taliban chiếm được Kabul. Theo Politico, một người đã tử vong khi mắc vào bộ phận hạ cánh của chiếc máy bay này. Nhiều người khác trèo tường thép gai, dẫm đạp, chen chúc và tìm mọi cách trong tuyệt vọng để tìm cách trốn chạy khỏi đất nước sắp trở lại chế độ Hồi giáo cực đoan.

Nó giống nhau ở điểm là người ta cũng nhốn nháo tìm đường chạy trốn và cũng không biết đi đâu, người chạy ngược người chạy xuôi... Những cảnh đó rất giống Việt Nam hồi trước.
Phan Bình Minh, cựu di dân chiến tranh Việt Nam


Đối với bà Phan Bình Minh, một cựu di dân Việt hiện đang sống tại Neuss, Đức, dù hoàn cảnh chính trị của hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Việt Nam khác nhau nhưng có sự tương đồng trong biến cố thất thủ ở Kabul và Sài Gòn.

“Nó giống nhau ở điểm là người ta cũng nhốn nháo tìm đường chạy trốn và cũng không biết đi đâu, người chạy ngược người chạy xuôi... Những cảnh đó rất giống Việt Nam hồi trước,” bà Minh, người từng làm cho Việt Nam Thông Tấn Xã dưới thời Việt Nam Cộng hoà và chứng kiến những ngày Sài Gòn thất thủ cuối tháng 4/1975, cho biết. “Nhìn cảnh Kabul mình đồng cảm với người Afghanistan vì chắc là họ cũng đang lo sợ và đau khổ ghê lắm.”

Việc Mỹ can thiệp vào Afghanistan bắt nguồn từ cuộc tấn công khủng bố trực tiếp trên lãnh thổ Hoa Kỳ ngày 11/9/2001 trong khi cuộc chiến tranh Việt Nam xuất phát từ việc Mỹ muốn ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa Cộng sản ở Việt Nam và châu Á.

Tổng thống Biden trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 16/8 nói rằng ông bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan của mình trước nhiều chỉ trích về việc này. Mặc dù thừa nhận rằng việc thất thủ của Kabul diễn ra nhanh hơn dự kiến nhưng người đứng đầu Nhà Trắng cho biết rằng ông không muốn lặp lại sai lầm của việc tham gia vào một cuộc xung đột không biết kéo dài đến bao giờ mà không nằm trong lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

“Chúng tôi mong rằng chính phủ Hoa Kỳ không bỏ rơi những người đã giúp chính phủ Hoa Kỳ trong bao nhiêu năm nay,” ông Kỳ nói, khi bày tỏ ước muốn rằng những người tị nạn Afghanistan sẽ đến được bến bờ an toàn như gia đình ông sau khi rời Việt Nam.

“Lịch sử có thể lặp lại" nhưng “chúng ta có bổn phận nhân đạo giúp người Afghanistan không phải trải qua một nghịch cảnh tương tự hay có thể còn tệ hơn” như đã từng xảy ra sau khi Sài Gòn thất thủ
Hội người Mỹ gốc Việt cấp tiến PIVOT


Khoảng 2.000 người Afghanistan đã được đưa sang Mỹ trong các chuyến bay di tản từ Kabul từ tháng 7. Theo New York Times, hơn 150.000 người Afghanistan, cùng gia đình, đã được định cư tại Mỹ với loại visa đặc biệt. Ước tính có hàng chục ngàn người Afghanistan đang cần được đưa ra khỏi nước này sau khi quân Mỹ rút đi.

Tổ chức PIVOT, có trụ sở ở California, kêu gọi chính quyền Biden không áp dụng bất cứ giới hạn nào về con số cho những người tị nạn chiến tranh Afghanistan và cho biết cộng đồng người Mỹ gốc Việt “đã chứng tỏ rằng người tị nạn chiến tranh khi được tái định cư tại xứ sở này có thể trở thành những công dân hữu dụng, cống hiến cho xã hội và văn hoá” của Hoa Kỳ.

Sau chiến tranh Việt Nam, hàng trăm nghìn người Việt từng phục vụ cho chính phủ Hoa Kỳ bị đưa vào “trại cải tạo” trong khi hàng triệu người tìm cách vượt biên bằng đủ mọi cách, với nhiều người trong số họ bỏ mạng trên biển.

“Lịch sử có thể lặp lại,” PIVOT viết, nhưng cho rằng “chúng ta có bổn phận nhân đạo giúp người Afghanistan không phải trải qua một nghịch cảnh tương tự hay có thể còn tệ hơn” như đã từng xảy ra sau khi Sài Gòn thất thủ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG