Đường dẫn truy cập

Kremlin: Mối đe dọa từ phương Tây buộc Nga phải thay đổi học thuyết hạt nhân


Bức ảnh do Cơ quan báo chí của Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga công bố ngày 20/4/2022 cho thấy tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được phóng từ Plesetsk ở phía tây bắc nước Nga.
Bức ảnh do Cơ quan báo chí của Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga công bố ngày 20/4/2022 cho thấy tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được phóng từ Plesetsk ở phía tây bắc nước Nga.

Điện Kremlin cho biết hôm 4/9 rằng Nga đang điều chỉnh học thuyết hạt nhân vì Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang đe dọa Nga bằng cách leo thang chiến tranh ở Ukraine và xâm phạm lợi ích an ninh hợp pháp của Moscow.

Nga, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, đang thực hiện những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của mình – trong đó nêu rõ các trường hợp mà Moscow sẽ sử dụng các loại vũ khí như vậy – do phương Tây ngày càng ủng hộ Ukraine, quốc gia mà Nga đã xâm lược vào năm 2022.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, trong lời giải thích chi tiết nhất của Moscow cho đến nay, đã gắn kết động thái này trực tiếp với "các mối đe dọa" do phương Tây tạo ra và đổ lỗi cho Mỹ đã phá hủy cấu trúc an ninh hậu Chiến tranh Lạnh của châu Âu.

Ông Peskov nói rằng phương Tây đã từ chối đối thoại với Nga và có hành động tấn công vào lợi ích an ninh của Nga trong khi kích động "cuộc chiến tranh nóng ở Ukraine".

"Chính Hoa Kỳ là người điều khiển quá trình gây căng thẳng", ông Peskov nói.

Người phát ngôn của Điện Kremlin chỉ ra rằng việc sửa đổi học thuyết hạt nhân đang ở giai đoạn đầu, và cho biết những căng thẳng hiện tại sẽ được phân tích cẩn thận và sau đó hình thành cơ sở cho những thay đổi được đề xuất.

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga, được nêu trong sắc lệnh năm 2020 của Tổng thống Vladimir Putin, nêu rõ Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp kẻ thù tấn công hạt nhân hoặc tấn công thông thường đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga và Hoa Kỳ là những cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, nắm giữ khoảng 88% vũ khí hạt nhân toàn cầu. Cả hai đều đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình trong khi Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường kho vũ khí hạt nhân của họ.

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra cuộc đối đầu lớn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi cả hai bên đều nói rằng họ không thể để thua trong cuộc xung đột này.

Chiến tranh Ukraine

Trong khi Nga, hiện kiểm soát 18% lãnh thổ Ukraine, tiếp tục tiến quân, Kyiv đã nhiều lần yêu cầu phương Tây cấp thêm vũ khí và xin phép sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây trong các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Hoa Kỳ sắp đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa có thể vươn sâu vào Nga, nhưng Kyiv sẽ phải đợi vài tháng vì Hoa Kỳ đang giải quyết các vấn đề kỹ thuật trước khi chuyển giao, theo các quan chức Mỹ cho biết.

Các quan chức nói rằng việc gửi Tên lửa không-đối-đất tầm xa (JASSM) tới Ukraine có thể làm thay đổi đáng kể bối cảnh chiến lược của cuộc chiến bằng cách đưa nhiều vùng của Nga vào tầm bắn của các loại đạn dược dẫn đường chính xác, mạnh mẽ hơn, vốn là một mối quan tâm quan trọng của chính quyền Biden.

Ông Peskov cho biết rõ ràng là Ukraine sẽ chuyển sang tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây.

Bộ ngoại giao Nga nói rằng nếu Nga bị tấn công bằng vũ khí tầm xa, phản ứng sẽ là ngay lập tức và "cực kỳ đau đớn".

"Họ đang mất đi cảm giác thực tế, họ hoàn toàn không nghĩ đến những rủi ro của việc leo thang nguy hiểm hơn nữa của cuộc xung đột, ngay cả trong bối cảnh lợi ích của chính họ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho biết.

"Chúng tôi muốn cảnh báo những chính trị gia vô trách nhiệm như vậy ở EU, NATO và nước ngoài – trong trường hợp chế độ Kyiv có những bước đi hung hăng có liên quan, phản ứng của Nga sẽ diễn ra ngay lập tức".

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG