Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm 50 năm Thảm sát Mỹ Lai


Cựu chiến binh Mỹ Mike Boehm đàn vi-ô-lon trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thảm sát Mỹ Lai tại thôn Mỹ Lai, Sơn tịnh, Quảng Ngãi (ảnh chụp ngày 16/3/2006)
Cựu chiến binh Mỹ Mike Boehm đàn vi-ô-lon trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thảm sát Mỹ Lai tại thôn Mỹ Lai, Sơn tịnh, Quảng Ngãi (ảnh chụp ngày 16/3/2006)

Cách đây 50 năm, ngày 16/3/1968, một đơn vị cấp đại đội thuộc Sư đoàn 23 Bộ binh Mỹ, hay còn gọi là Sư đoàn Americal, đã giết chết trên dưới 500 thường dân gồm cả phụ nữ, trẻ em và người già không có vũ khí trong tay tại thôn Mỹ Lai, thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Vụ thảm sát bị che giấu trong một năm cho đến khi một cựu chiến binh tên Ronald L. Ridenhour viết thư cho Ngũ Giác Đài, Bộ Ngoại giao, Tòa Bạch Ốc, và Quốc hội Mỹ thuật lại tình tiết thì sự việc mới được đưa ra ánh sáng. Mỹ Lai, từ đó, trở thành một điểm nóng trong cuộc tranh luận về sự tham chiến của Mỹ tại chiến trường Việt Nam và cho tới nay vụ việc này vẫn là một dấu đen trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ.

Đánh dấu năm thập niên ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington D.C đã tổ chức một buổi hội thảo nhìn lại sự kiện này, quy tụ các sử gia hàng đầu và các chuyên gia quân luật, để bàn về những bài học rút tỉa từ thảm sát Mỹ Lai. Mời quí thính giả theo dõi tường trình của phóng viên Đài VOA.

please wait

No media source currently available

0:00 0:07:47 0:00
Tải xuống

Làng Sơn Mỹ với 4 thôn Mỹ Lai 1, 2, 3, 4 là nơi xảy ra vụ thảm sát. Trên bản đồ hành quân của quân đội Mỹ, nơi này có tên là Pinkville. Theo tin tình báo lúc bấy giờ, Mỹ Lai là nơi đóng quân của tiểu đoàn địa phương 48 khét tiếng của Việt cộng, sau khi tiểu đoàn này có những hoạt động quấy rối tại Quảng Ngãi sau Tết Mậu Thân.

Sư đoàn Americal tổ chức cuộc hành quân Muscatin để truy lùng và tiêu diệt tiểu đoàn 48. Đại đội Charlie, dưới sự chỉ huy của Đại Úy Ernest L. Medina thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Baker, được giao trách nhiệm tấn công vào Mỹ Lai 4.

Theo các diễn giả tại hội thảo của CSIS, khi đại đội Charlie được trực thăng vận đến Mỹ Lai, họ không gặp sự kháng cự nào, chỉ gặp toàn đàn bà, trẻ em và những người lớn tuổi. Một số người đang chuẩn bị buổi ăn sáng. Chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ, trung đội do Trung Úy Williams Calley chỉ huy đã đốt nhà, xả súng, ném lựu đạn vào những hầm trú ẩn của họ, hãm hiếp đàn bà con gái trước khi giết chết bằng súng, lưỡi lê...

Việc tàn sát này không được báo cáo lên cấp chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, chỉ báo cáo cuộc hành quân này là một thắng lợi lớn với 128 Việt cộng bị giết và tịch thu được 3 vũ khí.

Con số thường dân thiệt mạng trong vụ việc có thể còn cao hơn nữa nếu không có sự can thiệp của một phi công trực thăng là Chuẩn úy Thompson. Lúc bấy giờ, ông Thompson đã cho đáp máy bay giữa các binh sĩ Mỹ và thường dân Việt Nam để ngăn chặn, không cho họ nổ súng vào thường dân. Ông cũng dọa bắn vào binh sĩ Mỹ nếu những người này không nghe theo.

Ông Trent Angers, tác giả cuốn sách “The forgotten Hero of My Lai: The Hugh Thompson Story” phát biểu tại hội thảo:

“Hugh Thompson trong ngày đầu tiên đã liên tục báo cáo qua hệ thống truyền tin, ông đến gặp cấp chỉ huy của ông và giận giữ to tiếng phản đối nên đã ngăn chặn vụ thảm sát tiếp tục.”

Về số phận của Chuẩn úy Thompson sau vụ Mỹ Lai, tác giả Anglers tiếp lời:

“Ông Hugh Thompson hoàn toàn không xuất hiện trong 30 năm, ông bị các sĩ quan, và người dân Mỹ đối xử như một kẻ phản bội. Ông thực sự là một anh hùng Mỹ Lai bị lãng quên cho tới năm 1998 mới được công nhận là một người anh hùng không những tại Mỹ mà trên toàn thế giới nữa.”

Đề cập đến nguyên nhân vụ thảm sát Mỹ Lai, Luật sư Đại tá Fred L. Borch, từng phục vụ tại Cơ quan Quân pháp Quân đội Mỹ hồi hưu vào năm 2005, đưa ra nhận xét:

“Binh sĩ thuộc đại đội này không có kinh nghiệm chiến đấu, đang trong thời kỳ thử thách, nhưng một số binh sĩ trong đại đội đã bị thương vì mìn bẫy, và một trung sĩ được đồng đội thương mến bị tử thương vài ngày trước đó, nên các binh sĩ đều lo lắng và chờ đợi một trận chiến lớn.”

Luật sư Borch nói tiếp:

“Ngay từ đầu các binh sĩ bối rối lúng túng, không biết cần phải làm gì và điều quan trọng là không ai chỉ thị cho Calley và các binh sĩ dưới quyền phải làm gì khi không gặp sự chống đối mà chỉ gặp thường dân không vũ khí.”

Tiến sĩ Gary Solis, phục vụ trong binh chủng thủy quân lục chiến hơn 20 năm, từng tham chiến tại Việt Nam hai lần trong tư cách sĩ quan thiết giáp. Hiện ông là Giáo sư luật tại Trường Võ bị West Point, trường đại học Geortown, và trường đại học George Washington, phát biểu:

“Tôi tin vụ Mỹ Lai xảy ra vì thiếu sự lãnh đạo, thiếu huấn luyện.”

Sau khi vụ thảm sát Mỹ Lai vỡ lở, sư đoàn Americal đã mở một cuộc điều tra nội bộ do Đại tá Handerson đứng đầu. Tuy nhiên, báo cáo của đại tá Handerson vào cuối tháng 4 năm 1969 chỉ nói là có khoảng 20 thường dân bị giết vì đạn lạc và quân đội Mỹ lúc đó vẫn cho rằng cuộc hành quân Mỹ Lai là một chiến thắng với 128 Việt cộng bị giết.

Vào tháng 11 năm 1969, sau khi báo chí vào cuộc và các nhân chứng tố cáo, quân đội Mỹ đã thành lập một Ủy ban điều tra có tên không chính thức là Peers Inquiry, đặt theo tên của Trung tướng Williams R. Peers, người đứng đầu Ủy ban.

Ngày 16/3/1970, cuộc điều tra chấm dứt. Ủy ban trình Bộ trưởng Lục quân Stanley R. Resor và Tham mưu trưởng Lục quân Đại tướng Westmoreland đề nghị truy tố 12 sĩ quan về tội che giấu vụ thảm sát Mỹ Lai, 13 sĩ quan và binh sĩ khác bị truy tố về tội phạm chiến tranh. Cuối cùng chỉ có 6 người bị đưa ra tòa án quân sự xét xử và rốt cuộc chỉ có Trung úy Calley bị án tù chung thân. Trung úy Calley sau đó được Tổng thống Richard Nixon ân xá.

Tiến sĩ Gary Solis nhận định về lý do chỉ có một mình Trung úy Calley bị kết án trong vụ Mỹ Lai:

“Tôi tin là các chỉ huy cao cấp của quân đội Mỹ lúc đó không muốn truyền thông biết được đầy đủ các hành vi tội phạm này của binh sĩ Mỹ tại Mỹ Lai, phá hoại cuộc chiến tranh đang tiến hành của Hoa Kỳ tại Việt Nam và họ cũng muốn thảm sát Mỹ Lai bị rơi vào quên lãng, truyền thông càng ít để ý đến càng tốt.”

Trent Angers, tác giả cuốn “The forgotten Hero of My Lai: The Hugh Thompson Story” nói sau khi nghiên cứu, sưu tầm tài liệu ở Văn khố Quốc gia, Thư viện Tổng thống Richard Nixon, nhật ký của ông Halderman và hồi ký của ông F. Edward Hebert cũng như những cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện được đưa ra công khai vào năm 1976, ông cho rằng Tổng thống Nixon đã tìm cách phá hoại hệ thống tư pháp quân đội với sự trợ giúp của các đồng minh tại Quốc hội.

“Một tuần lễ sau khi Tạp chí Life đăng ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai, ông Halderman, Chánh văn phòng của Tổng thống Nixon được mời vào Văn phòng Tổng thống để nhận lệnh phá hoại phiên tòa để không binh sĩ nào bị kết án trong vụ thảm sát Mỹ Lai cả. Thật là xấu hổ cho đất nước chúng ta.”

Chuẩn tướng Joseph B. Berger III, Chỉ huy trưởng Cơ quan Dịch vụ Pháp lý Quân đội Mỹ đồng thời là Thẩm phán Chủ tịch Tòa án Phúc thẩm Hình sự Quân đội Mỹ, nói quân đội rút ra được những bài học từ Mỹ Lai:

“Huấn luyện các cấp chỉ huy và binh sĩ đối phó với các vấn đề xảy ra trên chiến trường như đối xử với những người bị bắt giữ, với tù binh, đối với việc sơ tán thường dân để có thể xác định được kẻ địch. Chúng tôi cũng có những chương trình giúp binh sĩ hiểu được các phương cách báo cáo những vụ vi phạm qua các cấp bậc chỉ huy, qua các cơ quan như Tổng thanh tra chẳng hạn. Chúng tôi có nhiều phương cách để làm điều đúng, nếu có việc sai trái xảy ra.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG