Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo EU: Anh phải làm rõ lập trường


Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận về hậu quả củ vụ Brexit tại Hạ viện Bundestag ở Berlin, ngày 28/6/2016.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận về hậu quả củ vụ Brexit tại Hạ viện Bundestag ở Berlin, ngày 28/6/2016.

Sau cuộc đầu phiếu lịch sử của Anh để rời Liên hiệp Âu châu, các nhà lãnh đạo Âu châu bắt đầu tìm cách xác định mối quan hệ của họ với London.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, khi phát biểu tại Quốc hội Đức ngày hôm nay, nói rằng tuy Anh sẽ mất đi những quyền lợi của một thành viên EU, nước này vẫn tiếp tục là một đồng minh thân thiết trong khối NATO. Bà cũng cảnh báo EU không nên xao nhãng những vấn đề cấp bách khác, như vụ khủng hoảng di dân, mà phải cùng nhau lớn mạnh hơn nữa để ngăn ngừa những hội viên khác rời khỏi liên hiệp.

Bà nêu Na Uy như một thí dụ về mối quan hệ mà Anh có thể thiết lập với Âu châu – (đó là) một nước không phải là hội viên EU nhưng có quyền tiếp cận thị trường tự do này vì sẵn sàng tôn trọng sự tự do đi lại.

Mặc dầu vậy, bà Merkel cũng nói rằng cuộc thảo luận chính thức về mối quan hệ mới sẽ không diễn ra cho tới khi nào nước Anh bắt đầu thủ tục chính thức để chia tay.

Tại một phiên họp khẩn của Nghị viện Âu châu để thảo luận về cuộc đầu phiếu “thoát Âu” ở Anh, Chủ tịch Uỷ hội Âu châu Jean-Claude Juncker cho biết ông hy vọng Anh Quốc có thể duy trì những mối quan hệ thân thiện với EU, nhưng ông lập lại là các cuộc thương thuyết sẽ không thể thực hiện cho tới nước Anh biết chắc lập trường của mình.

Ông nói “Chúng ta không thể để cho mình tiếp tục ở trong một thời kỳ bất định kéo dài. Không thông báo, không thương thuyết.”

Ông Juncker đã cấm những cuộc họp “bí mật” giữa các giới chức Anh với các giới chức của từng nước trong Liên hiệp Âu châu, và nói rằng các cuộc thương thuyết chỉ diễn ra trong một khung cảnh toàn thể Liên hiệp Âu châu và có tính chất minh bạch sau khi tiến trình rời liên hiệp chính thức khởi sự.

Cử tri Anh đồng ý rời EU với tỉ lệ chênh lệch khít khao, nhưng Thủ tướng David Cameron nói quốc hội nước ông phải phê chuẩn quyết định này trước khi một tiến trình ra đi có thể khởi sự.

Ông Cameron đã loan báo quyết định từ chức và nói rằng ông sẽ tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, tuy trên lý thuyết chính phủ có thể đảo ngược kết quả của cuộc đầu phiếu.

Nếu quốc hội phê chuẩn quyết định này, tiến trình rời liên hiệp sẽ mất hai năm và trong thời gian đó Anh Quốc về mặt chính thức vẫn là một thành viên của EU.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG