Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản có cuộc gặp hiếm hoi, tái khẳng định 'quan hệ chiến lược'


Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Chủ tịch Trung Quốc Tâp Cận Bình và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (từ trái sang phải) tại hội nghị APEC ở San Francisco, Mỹ, 16/11/2023.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Chủ tịch Trung Quốc Tâp Cận Bình và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (từ trái sang phải) tại hội nghị APEC ở San Francisco, Mỹ, 16/11/2023.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu rằng họ sẽ theo đuổi mối quan hệ đôi bên cùng có lợi trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai ông sau một năm, họ nhấn mạnh vào lợi ích kinh tế chung giữa bối cảnh hai nước có một loạt các bất đồng ngoại giao.

Hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đã thảo luận các vấn đề gai góc như lệnh của Trung Quốc về cấm hải sản Nhật và trường hợp một doanh nhân Nhật bị bắt giam ở Trung Quốc vì bị tình nghi hoạt động gián điệp, khi hai ông hội đàm kéo dài cả tiếng đồng hồ ở San Francisco hôm thứ Năm 16/11.

Họ cũng cam kết tổ chức đối thoại cấp cao về các vấn đề kinh tế và hoan nghênh việc khởi động một khuôn khổ thảo luận về kiểm soát xuất khẩu khi hai ông gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Ông Tập nói với ông Kishida trong cuộc hội đàm rằng hai nước cần "tập trung vào lợi ích chung" và tái khẳng định "mối quan hệ chiến lược cùng có lợi và mang lại cho nó ý nghĩa mới".

Trong tuyên bố chung năm 2008, Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng ý theo đuổi “mối quan hệ cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung”.

Tuy nhiên, cụm từ này đã được sử dụng ít đi trong những năm gần đây khi hai nước vốn là đối thủ lâu năm của nhau đã xung khắc về các vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, căng thẳng thương mại và vấn đề Đài Loan.

Gần đây nhất, mối quan hệ này đã bị thử thách vì Trung Quốc ra lệnh cấm hải sản của Nhật Bản sau khi nước này quyết định hồi tháng 8 bắt đầu xả nước đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima đã bị tê liệt ra biển.

Nói với giới truyền thông sau cuộc hội đàm, ông Kishida cho hay ông đã mạnh mẽ kêu gọi ông Tập bãi bỏ lệnh cấm và đề nghị nhanh chóng trả tự do cho một vị giám đốc điều hành doanh nghiệp đang bị giam giữ, là vụ việc đã giáng một đòn mạnh vào quan hệ thương mại giữa hai nước.

Ông Tập nói rằng Nhật Bản nên xem xét nghiêm túc mối quan ngại của Trung Quốc về việc xả nước ở Fukushima và hai bên đã đồng ý cố gắng giải quyết vấn đề thông qua tham vấn, theo bản tóm tắt về cuộc hội đàm. Bản tóm tắt của Trung Quốc không đề cập đến trường hợp vị giám đốc điều hành của hãng Astellas Pharma đã chính thức bị bắt hồi tháng trước.

Cả hai bên đều ca ngợi sáng kiến tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên về kiểm soát xuất khẩu, là nỗ lực nhằm tránh các biện pháp ăn miếng trả miếng khi các nước trên thế giới tìm cách hạn chế việc đưa nguyên liệu và công nghệ nhạy cảm ra nước ngoài.

Trung Quốc gần đây đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu kim loại giúp cho sản xuất chip như gali và dự kiến sẽ hạn chế xuất khẩu than chì, được sử dụng trong pin, vào tháng 12. Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Kishida cũng đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong cuộc gặp lần thứ bảy trong năm nay. Họ hứa sẽ thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn và thảo luận về những mối quan ngại chung như các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Ba ông Yoon, Kishida và Biden cũng đã tổ chức một cuộc họp ba bên ngắn hôm 16/11.

Các nhà lãnh đạo của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gồm 21 thành viên đang có mặt tại San Francisco để dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 từ ngày 15 đến 17/11.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG