Đường dẫn truy cập

LHQ: Tổn phí về thiên tai gây rủi ro cho tất cả các nước


Cư dân vượt qua một con đập bị nước lũ dâng cao vì bão Koppu tại thành phố Las Pinas ở Manila, ngày 19/10/2015.
Cư dân vượt qua một con đập bị nước lũ dâng cao vì bão Koppu tại thành phố Las Pinas ở Manila, ngày 19/10/2015.

Một ủy ban kinh tế khu vực của Liên Hiệp Quốc nói khu vực châu Á Thái Bình Dương phải đối mặt với những tổn phí kinh tế do thiên tai trong những thập niên sắp tới, trừ phi các chính phủ trong vùng có biện pháp đầu tư vào việc giảm thiểu thiên tai.

Thiệt hại về nhân mạng và kinh tế do thiên tai gây ra trong vùng châu Á Thái Bình Dương đang gia tăng, với tăng trưởng kinh tế nhanh, dân số tăng và đô thị hóa, gây rủi ro cho tất cả các xã hội.

Châu Á Thái Bình Dương dễ bị tác động nhất vì các thiên tai trên thế giới, vì đã phải đối đầu với trên 1 ngàn 600 vụ thiên tai trong thập niên vừa qua, gây tổn thất nửa triệu nhân mạng và thiệt hại kinh tế trên 520 tỷ đôla.

Một phúc trình đặc biệt hôm nay của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc, đặc trách châu Á Thái Bình Dương, tức UNESCAP nói rằng những con số đó còn tiếp tục gia tăng nếu các chính phủ không có ý chí chính trị đầu tư vào việc giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Bản phúc trình “Thiên tai Không biên giới” nói rằng các rủi ro vì thiên tai trầm trọng thêm do tình trạng tăng trưởng nhanh, dân số gia tăng và sự lan truyền của phát triển đô thị.

Bà Shamshad Akhtar, một phó tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc hiện là bí thư điều hành UNESCAP, nói các thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, lớn hơn và với cường độ cao hơn là một mối quan ngại nghiêm trọng. Sự kiện này được nêu bật trong vụ động đất ở vùng Hy Mã Lạp sơn tuần này khiến mấy trăm người thiệt mạng.

Bà Akhtar nói: “Những mối đe dọa đang gia tăng, song nhiều hơn nữa là những mối đe dọa xuyên biên giới, bởi vì thiên tai không kể đến biên giới… Có thể là những đường phay địa chất như chúng ta vừa chứng kiến trong các diễn biến ở Pakistan, Afghanistan và xuyên suốt khu vực từ Afghanistan đến biên giới Trung Quốc – các cơn bão nhiệt đới, mà chúng ta đã kinh qua thường xảy ra rất nhiều ở trung tâm, và còn cả các vụ lụt lội và hạn hán nữa.”

Tính đến năm 2030, bản phúc trình của LHQ dự đoán, thiệt hại về thiên tai hàng năm trong vùng có thể ở mức trung bình là 160 tỷ đôla mỗi năm, tăng lên so với con số 50 tỷ hiện nay.

Dân số đô thị gia tăng, thường phải đối mặt với các dịch vụ cơ bản thiếu thốn như đường sá, cung ứng nước và thải rác, khiến những khối dân nghèo hơn đặc biệt lâm nguy.

Bản phúc trình nói khoảng 740 triệu người ở thành thị tại châu Á và vùng Thái Bình Dương có rủi ro ở mức cực kỳ cho đến cao, thường dễ bị tác động của các cơn bão, động đất, lụt lội và đất sạt lở.

Môi trường thiên nhiên có thời rất khỏe mạnh của khu vực đem lại một sự phòng vệ chống lại thiên tai cũng đã bị suy yếu. Hạn hán được nêu bật cùng với các thách thức do nhu cầu ngày càng tăng về sản lượng thực phẩm và các nguồn lực.

LHQ đang kêu gọi các chính phủ trong vùng chứng tỏ thiện chí chính trị đầu tư vào các biện pháp giảm thiểu thiên tai và giảm thiểu các tổn thất về sinh mạng và kinh tế.

Bộ trưởng Fiji đặc trách quản lý thiên tai Inia Batikoto Seruiratu cho biết chính phủ của ông đã gia tăng mức chi trong cố gắng giảm thiểu tác động trong tương lai của các thiên tai, nhất là bão tố.

Bà Seruitatu nói:”Chúng ta đã dành ngân khoản cho việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và dĩ nhiên tôi đã được bảo rằng sẽ có chuẩn chi cho năm tới, có lẽ gấp đôi hay gấp ba, và đó là điều tốt. Chúng ta cần có ý chí chính trị và sự cam kết đó. Như tôi đã nói, rủi ro thiên tai DR là một khoản cần đầu tư. Không phải là chi phí, và chúng ta cần phải đầu tư vào DR để có thể duy trì sự phát triển bền vững.”

Bản phúc trình của LHQ kêu gọi các chính phủ xây dựng tính bền vững trong kế hoạch quản lý thiên tai, cùng với các hệ thống thông tin tốt hơn và cải thiện hợp tác khu vực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG