Đường dẫn truy cập

Liên Hiệp Quốc kêu gọi quyên góp thêm 4,7 tỷ USD chống đại dịch


Ông Mark Lowcock - Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách về các vấn đề nhân đạo.
Ông Mark Lowcock - Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách về các vấn đề nhân đạo.

Liên Hiệp Quốc hôm 7/5 kêu gọi một khoản quyên góp mới 4,7 tỷ đô la để “bảo vệ hàng triệu mạng sống và ngăn chặn sự lây lan của virus corona tại các quốc gia dễ bị tổn thương”, theo AFP.

Số tiền này là ngoài khoản 2 tỷ đô la mà Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi khi phát động kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu vào ngày 25/3. Cho tới nay, LHQ đã nhận được khoảng một nửa số tiền trên.

Phát biểu trong bản thông báo kêu gọi quyên góp, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách về các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock nói những tác động tàn phá và gây mất ổn định nhất của đại dịch virus corona mới sẽ xảy ra ở các nước nghèo nhất thế giới.

“Trừ phi chúng ta hành động ngay bây giờ. Chúng ta nên chuẩn bị cho sự gia tăng đáng kể tình trạng xung đột, đói nghèo. Nạn đói đang lờ mờ xuất hiện rồi”, AFP dẫn lời ông Lowcock cảnh báo.

Toàn bộ số tiền 6,7 tỷ USD quyên góp dự kiến sẽ trang trải chi phí cho kế hoạch ứng phó nhân đạo cho đến tháng 12.

Có khoảng 20 quốc gia được ưu tiên, bao gồm một số quốc gia đang có xung đột như Afghanistan và Syria.

Lời kêu gọi quyên góp mới của LHQ được đưa ra khi có thêm 9 quốc gia được thêm vào danh sách ưu tiên này, gồm Bénin, Djibouti, Liberia, Mozambique, Pakistan, Philippines, Sierra Leone, Togo và Zimbabwe.

Quỹ sẽ được sử dụng để mua thiết bị y tế để xét nghiệm và điều trị cho người bệnh, cung cấp các trạm rửa tay, khởi động các chiến dịch thông tin và thiết lập các chuyến không vận nhân đạo đến châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh, theo Liên Hiệp Quốc.

Khoản tiền quyên góp cũng nhằm mục đích phát triển các chương trình mới để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng do cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phó Tổng Thư ký LHQ Lowcock kêu gọi các nhà tài trợ “hành động trong cả tình đoàn kết lẫn lợi ích riêng để đưa ra những ứng phó tương xứng với quy mô của vấn đề mà chúng ta đang gặp phải”, đồng thời cảnh báo về hiệu ứng boomerang trong dài hạn nếu các nước nghèo bị các nước giàu bỏ rơi.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ lên đến đỉnh điểm ở các nước nghèo nhất thế giới trong vòng 3 – 6 tháng tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG