Đường dẫn truy cập

Liên hiệp quốc kêu gọi các nước ngừng nhắm mục tiêu vào truyền thông và sự thật


Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres.

Trước thềm Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5, người đứng đầu Liên hiệp quốc cảnh báo rằng các phương tiện truyền thông đang bị tấn công ở mọi nơi trên thế giới và kêu gọi tất cả các quốc gia ngừng nhắm mục tiêu vào sự thật và vào những người tường trình sự thật.

Tổng thư ký Antonio Guterres nói tình trạng gia tăng 50% số vụ sát hại nhân viên truyền thông vào năm 2022 là “không thể tin được”, nhấn mạnh rằng tự do báo chí “là nền tảng của dân chủ và công lý” và nó đang bị đe dọa.

Ít nhất 67 người làm việc trong lĩnh vực truyền thông đã bị giết vào năm ngoái. Ngoài ra, các nền tảng kỹ thuật số và truyền thông xã hội đã giúp những kẻ cực đoan dễ dàng đưa tin sai sự thật và quấy rối các nhà báo.

“Sự thật bị đe dọa bởi thông tin sai lệch và lời lẽ căm thù đang tìm cách làm mờ ranh giới giữa thực tế và hư cấu, giữa khoa học và thuyết âm mưu,” ông Guterres nói.

Ông Guterres cho biết sự sụp đổ của ngành truyền thông, dẫn đến việc đóng cửa các hãng tin tức địa phương và hợp nhất các phương tiện truyền thông “vào tay một số ít” đang đe dọa quyền tự do ngôn luận.

Cũng đe dọa quyền tự do ngôn luận không kém là việc các luật mới được các chính phủ trên toàn thế giới thông qua, chẳng hạn như luật năm 2022 của Nga quy định rằng bất kỳ ai công bố thông tin về quân đội của họ mà Moscow cho là sai sự thật đều có thể phải đối mặt với án tù 15 năm.

Nga đã bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của Wall Street Journal vào cuối tháng 3 với cáo buộc làm gián điệp, điều mà tờ báo này phủ nhận. Chính quyền Mỹ cho biết ông Gershkovish đang bị giam giữ một cách sai trái và đang làm việc để đảm bảo ông được trả tự do.

Ông Guterres chỉ trích mạnh mẽ việc nhắm mục tiêu vào các nhân viên truyền thông, nói rằng họ thường xuyên bị quấy rối, đe dọa và giam giữ. Ông nói thêm rằng gần 3/4 nữ nhà báo đã từng bị bạo lực trực tuyến và 1/4 bị đe dọa về thể xác.

Ông Guterres đã đưa ra nhận xét này trong một thông điệp video nhân lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Tự do Báo chí Thế giới của Liên hiệp quốc, ngày mà Đại hội đồng Liên hiệp quốc lần đầu tiên tuyên bố vào tháng 12 năm 1993 và cho phép kỷ niệm vào ngày 3 tháng 5 hàng năm.

Tổng thư ký cho biết thế giới phải đoàn kết để ngăn chặn các mối đe dọa, tấn công và bỏ tù các nhà báo vì họ đang làm công việc của họ, đồng thời ngăn chặn những lời dối trá và thông tin sai lệch.

Ông nói: “Khi các nhà báo đứng lên vì sự thật, thế giới sẽ đứng lên cùng họ.”

Bà Audrey Azoulay, tổng giám đốc của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc, đơn vị tổ chức lễ kỷ niệm, cho biết sự ra đời của kỷ nguyên kỹ thuật số đã thay đổi toàn bộ bối cảnh thông tin.

Bà nói, mặc dù các nền tảng kỹ thuật số đã cung cấp những cách thức mới để thể hiện và cung cấp thông tin, nhưng “chúng cũng đang chứng tỏ là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ gieo rắc thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch và thuyết âm mưu”.

Bà Azoulay cho biết UNESCO vào năm 2021 đã đưa ra một chương trình giảng dạy mẫu cho giáo viên về kiến thức truyền thông và thông tin “nhằm phát triển tư duy phản biện để điều hướng những dòng chảy mới này”.

Bà nói rằng mô hình kinh doanh của các nền tảng kỹ thuật số dựa trên số lần nhấp chuột, “tất cả chúng thường ủng hộ chủ nghĩa giật gân hơn sự thật.”

Bà Azoulay cho biết đó là lý do tại sao UNESCO vào tháng 2 đã tổ chức một hội nghị toàn cầu để giải quyết vấn đề này với mục tiêu đảm bảo “công nghệ đó giúp ích cho các giá trị chung của chúng ta và thúc đẩy nhân quyền thay vì làm hại chúng”. Hội nghị có sự tham gia của hơn 4.000 bên quan tâm. Bà nói, đây là “một bước quyết định,” hướng tới việc UNESCO công bố bộ hướng dẫn về trung hòa và lựa chọn nội dung trực tuyến vào cuối năm nay – giống như cách đây gần 20 năm về phát thanh truyền hình, bà nói.

Ông Guilherme Canela De Souza Godoi, người đứng đầu khâu phận Tự do Ngôn luận và An toàn cho Nhà báo của UNESCO, nói lễ kỷ niệm ngày 2/5 là bước khởi động cho hơn 60 sự kiện ở 60 quốc gia và hơn 40 sự kiện ở Thành phố New York nhằm nêu bật kỷ niệm 30 năm Ngày Tự do Báo chí Thế giới cũng như đánh dấu tình trạng suy giảm tự do báo chí không thể chấp nhận được hiện nay.

Ông trích dẫn số liệu thống kê của UNESCO công bố năm ngoái rằng 85% dân số thế giới đã trải qua sự thu hẹp quyền tự do của họ trong 5 năm qua.

Một cuộc khảo sát gần đây của UNESCO cho thấy các nhà báo đưa tin về các cuộc biểu tình ở 65 quốc gia trong tất cả các khu vực đã bị tấn công, ông Canela cho biết, trong khi các dữ liệu gần đây cho thấy các hệ thống tư pháp ngày càng quấy rối các nhà báo ở tất cả các khu vực. “160 quốc gia vẫn đặt quyền tự do ngôn luận dưới luật hình sự”, điều đó có thể dẫn đến việc các nhà báo bị bỏ tù.

Chủ tịch của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Đại hội đồng UNESCO và Hội đồng Nhân quyền đã ký một tuyên bố chung thúc giục “một môi trường an toàn và thuận lợi cho các nhà báo thực hiện công việc của họ một cách độc lập và không bị can thiệp quá mức” — đồng thời thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và ngôn luận.

Diễn đàn

Liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG